Chuyến thực hành nghề thú vị của sinh viên Truyền thông chính sách

Hồng Nhung | 02/12/2022, 19:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ ngày 21-25/11, sinh viên lớp Truyền thông chính sách K40, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đi thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Lạng Sơn thành công.

Tổ chức học phần thực tế chính trị - xã hội là một việc đặt ra nhiều thách thức, từ công đoạn xây dựng kế hoạch tới triển khai và thực hiện. Từ ngày 21-25/11, sinh viên lớp Truyền thông chính sách K40, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện chuyến đi thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Lạng Sơn thành công hơn cả mong đợi.

Đặt chân tới tỉnh Lạng Sơn vào chiều tối ngày 21/11/2022, đoàn giảng viên, sinh viên lớp TTCSK40 khoa Tuyên truyền có thời gian gặp gỡ, chào hỏi cũng như làm quen với các cơ quan hỗ trợ Đoàn trong chuyến đi.

Đoàn lớp TTCSK40 dâng hương tại tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Sáng ngày 22/11/2022, Đoàn dâng hương tại tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ. Sau đó di chuyển tới Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn để tham gia buổi Tọa đàm với các cơ quan bao gồm: Sở Tư phápCơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của Tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh Lạng Sơn; Sở Y tế.

Tọa đàm được tổ chức tại Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật – Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn (ngồi giữa) chủ trì buổi làm việc.

Tham gia buổi Tọa đàm, sinh viên được nghe, tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn; nghe báo cáo về tình hình chính trị, văn hóa, xã hội địa phương; công tác phòng chống dịch và truyền thông phòng chống dịch của Tỉnh thời gian qua; nghiên cứu về công tác phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đây là hoạt động mang tính chuyên môn đầu tiên trong chuyến đi, có ý nghĩa giúp sinh viên nắm được những thông tin sơ bộ về tình hình xã hội, những quy định khi hoạt động tại địa phương.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng – Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại tọa đàm.
Đại tá Trịnh Hữu Tăng – Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại tọa đàm.
Tiến sĩ Vũ Hoài Phương – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trưởng đoàn công tác phát biểu tại tọa đàm
Tiến sĩ Vũ Hoài Phương – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trưởng đoàn công tác phát biểu tại tọa đàm.

Chiều ngày 22/11/2022, Đoàn được chia thành 5 nhóm, di chuyển tới các Đồn Biên phòng cụ thể: Đồn Bảo Lâm, Đồn Thanh Lòa, Đồn Na Hình, Đồn Bình Nghi, Đồn Ba Sơn. Mỗi nhóm có thời gian 3 ngày hoạt động tại đồn, các sinh viên sẽ có thời gian được thăm, quan sát, học hỏi và thưc hiện những nhiệm vụ của học phần đã được xây dựng từ trước .

Nhóm 2 được phân công về Đồn Biên phòng Na Hình
Nhóm 5 được giảng viên gửi gắm lại cho Đồn Biên phòng Bảo Lâm.
Nhóm 2 được phân công về Đồn Biên phòng Na Hình. Nhóm 5 được giảng viên gửi gắm lại cho Đồn Biên phòng Bảo Lâm.

Sinh viên Nguyễn Thị Hồng Nhung (trưởng nhóm 5) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình được thử sức với vai trò trưởng đoàn. Đó là một nhiệm vụ khá áp lực khi mình phải thay vai trò của giảng viên và trực tiếp làm việc với đơn vị, bao quát và giải quyết các vấn đề liên quan tới nhóm. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Bảo Lâm và sự kiểm tra và giám sát từ xa của cô giáo, chúng mình đã hoàn thành được hết các nhiệm vụ đề ra và còn tạo ra được rất nhiều kỉ niệm, cảm xúc quý giá tại đây.”

Tại các Đồn Biên phòng, các nhóm đều có những nhiệm vụ chung: thực hiện công tác tuyên truyền vận động phổ biến pháp luật; thăm các cột mốc chủ quyền biên giới; tới thăm và tặng quà các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; thăm xã nông thôn mới.

Với các nội dung thăm, tặng quà các hộ gia đình chính sách, thăm xã nông thôn mới, sinh viên đã có cái nhìn chi tiết hơn nữa về địa phương nơi tới tham gia thực tế. Sinh viên được nói chuyện, tìm hiểu về hoàn cảnh của người dân, các đặc điểm về kinh tế, xã hội, văn hóa. Thông qua đó, sinh viên hiểu hơn về các kiến thức được phổ biến tại Tọa đàm ngày 22/11. Không chỉ vậy, đây cũng là một hoạt động ý nghĩa để sinh viên có thể đến chia sẻ, thăm hỏi và tặng quà với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nhóm sinh viên đươc phân công về Đồn Biên phòng Bảo Lâm thăm và tặng quà các hộ gia đình chính sách

Bên cạnh thăm quan, giao lưu, học hỏi, trong chuyến đi này sinh viên lớp TTCSK40 còn đươc trực tiếp thực hành, vận dụng những kĩ năng và kiến thức đã được học. Sinh viên được phân công về các trường Tiểu học, Trung học cơ sở với nhiệm vụ thực hiện bài tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Để phù hợp với đối tượng, sinh viên lựa chọn các chủ đề bài tuyên truyền liên quan tới phổ biến kiến thức về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Hôn nhân và gia đình; các chủ đề về an toàn giao thông, bạo lực gia đình, phòng chống đuối nước,...

Hình ảnh các sinh viên tổ chức giao lưu và thực hiện công tác tuyên truyền vận động.

Chia sẻ về hoạt động tuyên truyền vận động này, sinh viên Chu Thị Huyền – trưởng nhóm tại đồn Thành Loà nêu cảm nhận: “Mình cho rằng hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh là vô cùng ý nghĩa và thiết thực, không chỉ riêng đối với các em học sinh mà còn đối với bản thân mình. Nó giúp mình trau dồi kĩ năng phát biểu, giao tiếp, ứng xử và đem tới trải nghiệm đáng quý mà nếu chỉ học lý thuyết thì không thể có được.”

Trong chuyến đi, sinh viên được thăm các cột mốc chủ quyền biên giới, vành đai biên giới. Trên cung đường này các nhóm cũng đã tới thăm các lán, chốt phòng chống covid. Hoạt động này có ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần các đồng chí bộ đội Biên phòng; giúp sinh viên có thể quan sát, nắm rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của bộ đội Biên phòng. Sinh viên đã thấy được những khó khăn, vất vả mà lực lượng này phải đối mặt, cùng với đó là cảm nhận được nét đẹp về sự hy sinh và tình cảm của những chiến sĩ nơi đây.

Các nhóm thăm một số lán, chốt phòng chống covid trên địa bàn.

Nhóm sinh viên được phân công tại Đồn Biên phòng Bảo Lâm thăm cột mốc 1140.

Nhóm sinh viên được phân công tại Đồn Biên phòng Thanh Lòa thăm cột mốc 1153/2

Sinh viên sinh hoat tại Đồn không chỉ thực hiện các nhiệm vụ được giao mà còn tham gia vào các hoạt động chung.

Nhờ có kế hoạch và lộ trình rõ ràng, sinh viên lớp Truyền thông chính sách K40, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sau khi được phân công về các Đồn đều đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Sinh viên qua chuyến đi không còn chỉ nghe, nhìn và học hỏi, mà là nghe, nhìn, làm và học hỏi. Thay vì cầm tay chỉ việc, giảng viên đã phổ biến kế hoạch rõ ràng, quán triệt các yêu cầu cũng như quy định. Sinh viên lúc này đã phát huy tính chủ động của mình, tự triển khai và thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Sau khi hoàn thành các công việc, Đoàn lớp TTCSK40 đã quay trở lại Hà Nội vào chiều tối ngày 25/11. Tuy chuyến đi chỉ kéo dài 5 ngày, sinh viên đã có được thêm rất nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, lên kế hoạch, được rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm và trau dồi nghiệp vụ.

Để có một học phần Thực tế chính trị - xã hội thành công, TS. Vũ Hoài Phương – trưởng đoàn chia sẻ: “Cố vấn học tập là người chịu trách nhiệm chính, cần có ý tưởng từ sớm, lên kế hoạch và liên hệ với các bên liên quan để trao đổi về tính khả thi của ý tưởng; lập kế hoạch chi tiết, khả thi, đặc biệt tính đến các nguồn lực; thiết lập các quan hệ để đảm bảo kế hoạch được ủng hộ khi triển khai; thống nhất về quan điểm, cách thức tổ chức thực hiện từ cố vấn học tập đến ban cán sự lớp, các trưởng nhóm và đến từng thành viên.

Đây là 1 môn học, đi để quan sát, áp dụng kiến thức vào thực tế nên mỗi sinh viên đều phải có kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể, phải gắn với chuyên ngành đào tạo, phải thực sự là 1 chuyến đi học tập, thực hành nghề, không phải đi du lịch”.

Thực tế chính trị - xã hội là môn học mang nhiều ý nghĩa thực tiễn, là cơ hội cho sinh viên nắm bắt tình hình chính trị - xã hội, được va chạm, trải nghiệm môi trường làm việc. Tuy nhiên, nó yêu cầu rất cao trong quá trình lên kế hoạch, triển khai và phối hợp thực hiện từ các bên. Nếu có thể tổ chức thành công, đây sẽ là bước đệm rất tốt cho sinh viên chuẩn bị hành trang trước khi bước vào kì kiến tập, thực tập.

Bài: Nguyễn Thị Hồng Nhung (Lớp TTCS K 40)

Ảnh: Tạ Việt Hà, Lại Linh Thương, Đào Ngọc Quang, Phạm Thị Vân (Lớp TTCS K40)

Bài liên quan
Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở duy nhất đào tạo cán bộ Tuyên giáo trên cả nước

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyến thực hành nghề thú vị của sinh viên Truyền thông chính sách