Cô gái Quảng Trị tìm thấy đam mê nghiên cứu tại New Zealand

Ngọc Trang | 27/01/2022, 08:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Chị Quyên Nguyễn (1989, Quảng Trị) quyết định lựa chọn học Tiến sĩ để nâng cao chuyên môn nghề nghiệp. Càng làm việc trong môi trường nghiên cứu, chị lại nhận ra mình có nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn.

bien_doi_khi_hau.jpeg

Sau nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn (Pfizer, Intel), chị Quyên Nguyễn (1989, Quảng Trị) quyết định lựa chọn học Tiến sĩ để nâng cao chuyên môn nghề nghiệp. Nhưng càng làm việc trong môi trường nghiên cứu, chị lại nhận ra mình có nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn.

“Quyết định rẽ hướng sang làm nghiên cứu như một điều tình cờ, nhưng là quyết định đúng đắn nhất của tôi. Mục tiêu ban đầu của tôi chỉ là học hỏi thêm. Nhưng khi bước vào chương trình Tiến sĩ, tôi lại nhận ra rằng công việc này không phải là tạm thời.

Thực chất tôi đam mê và có khả năng đi sâu vào con đường học thuật. Vì bản thân tôi thích trả lời câu hỏi tại sao, thích tìm tòi và hiểu sâu vấn đề. Tôi hy vọng rằng làm việc trong môi trường này có thể khiến tôi đóng góp nhiều hơn cho xã hội”, chị Quyên chia sẻ. 

Theo học Tiến sĩ tại Đại học Otago (New Zealand), chị Quyên đã thực hiện đề tài “Ba bài luận văn về tài chính khí hậu chuyển đổi”. Đề tài nghiên cứu sự tác động của việc cắt giảm khí nhà kính tới thị trường tài chính của Mỹ. 

Sau khi tốt nghiệp, chị được lựa chọn là người lập trình mô hình chính cho dự án Marsden “Nên ở lại nên rời bỏ? Ảnh hưởng của rủi ro biến đổi khí hậu đến thị trường nhà đất và sự ổn định của thị trường tài chính”. Dự án Marsden tập trung vào nước biển dâng – hệ quả của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ về đề tài nghiên cứu của mình, chị Quyên cho biết: “Rủi ro biến đổi khí hậu từ lâu vẫn luôn là một vấn đề toàn cầu và có sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế thế giới. Năm 2019-2021, chúng ta đã chứng kiến sức công phá khủng khiếp của Covid-19 đối với cuộc sống con người trên toàn thế giới. 

Nhưng nếu ví Covid-19 là một cơn sóng nhỏ, thì biến đổi khí hậu còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Vì biến đổi khí hậu thực sự là một bi kịch xuyên thế hệ (Carney, 2015), khi những người ảnh hưởng nhất là người trẻ và con cháu của chúng ta trong tương lai.

Thế nhưng chính chúng ta hoặc những người thuộc thế hệ trước lại là nguyên nhân của tấn bi kịch này – bằng cách quá phụ thuộc vào dầu mỏ và than đá trong cuộc sống hằng ngày và tiêu thụ không bền vững. Nếu chúng ta không thay đổi, thì những người bị ảnh hưởng sẽ là chúng ta (ngày hôm nay) và con cháu chúng ta (ngày hôm sau). Tác động này sẽ đặc biệt rõ ràng tại Việt Nam, một quốc gia với đường bờ biển dài”. 

quyen-nguyen.jpg
Chị Quyên Nguyễn (1989, Quảng Trị) quyết định lựa chọn học Tiến sĩ để nâng cao chuyên môn nghề nghiệp.

Chị tâm sự: “Trước khi bước vào con đường nghiên cứu, tôi đã không hoàn toàn quan tâm về vấn đề môi trường và có một lối sống rất không bền vững. Nhưng giờ đây, môi trường hay biến đổi khí hậu là trung tâm nghề nghiệp của tôi.

Tôi cũng đang dần dần áp dụng tư duy bền vững vào cuộc sống. Hy vọng những kiến thức và sự quan tâm đến vấn đề này của tôi có thể lan tỏa đến cộng đồng. Tôi cũng mong những kiến thức tôi học được có thể áp dụng được ở Việt Nam, đặc biệt trong dự báo ảnh hưởng của nước biển dâng tới nhà đất và tài chính”.

Bài liên quan
ĐH New Zealand đẩy mạnh hợp tác giáo dục tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) và các trường New Zealand không ngừng tăng cường tham gia vào các diễn đàn giáo dục tại Việt Nam và khu vực nhằm chia sẻ các sáng kiến, thực hành trong giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô gái Quảng Trị tìm thấy đam mê nghiên cứu tại New Zealand