Bên cạnh đó, người học còn được tự do chuyển đổi giữa các phương thức đào tạo và chuyển đổi giữa các trường/ đơn vị đào tạo – điều mà trước đây gần như không thể. Các chương trình học được xây dựng tập trung vào các kỹ năng có thể chuyển đổi được để giúp người học có thể thích nghi tốt với tương lai thay đổi liên tục của thị trường.
Về bằng cấp, một số chia sẻ tại hội nghị chỉ ra rằng đào tạo nghề nghiệp tương lai có thể không còn chú trọng quá nhiều vào bằng cấp, thay vào đó, tập trung vào tay nghề của người lao động.
Chính vì vậy, các chương trình đào tạo tại New Zealand cũng đã được thay đổi hướng đến giải pháp đào tạo kết hợp thực tiễn, đào tạo kết hợp với nhiều bên liên quan; triển khai các khóa học ngắn và cấp các chứng chỉ nhỏ bên cạnh chương trình học chính để tạo điều kiện cho người học có thể chủ động tham gia vào thị trường lao động ngay khi đáp ứng được yêu cầu về tay nghề.
Được đánh giá là một vấn đề mớitại diễn đàn APAC TVET, ông Rajesh Khambayat – Giám đốc Học viện Giáo dục Nghề nghiệp Trung ương PSS (Ấn Độ) nhấn mạnh việc phát triển kỹ năng xanh và việc xanh hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong tương lai.
“Thúc đẩy các kỹ năng xanh vì sự bền vững của môi trường thông qua giáo dục nghề nghiệp sẽ là một yêu cầu quan trọng không chỉ ở New Zealand hay Ấn Độ, mà là trên toàn cầu. Giáo dục nghề nghiệp cần được cải cách trong mối liên hệ với 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.” – ông Rajesh Khambayat khẳng định.
Những góc nhìn mới trong cải cách giáo dục nghề nghiệp tại New Zealand hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi lớn và tích cực trong nhiều năm tới đây. Đặc biệt, các giải pháp thực hiện cũng là nền tảng quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng thành công cộng đồng giáo dục nghề nghiệp ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hướng đến sự hợp tác thực hiện thành công các mục tiêu chung của toàn khu vực.