“Giáo viên chỉn chu và tỉ mỉ trong từng cử chỉ để trùng với khẩu hình miệng giúp các em nắm bắt và hiểu được cô đang nói gì, biết diễn đạt đúng cho giáo viên dễ hiểu. Có những cử chỉ tôi phải dạy lặp lại nhiều lần để các em ghi nhớ”, cô Thu bộc bạch.
Lớp học của cô Thu tại Trường Chuyên biệt Tương lai. |
Không chỉ giảng dạy, cô Thu được xem như người mẹ thứ 2 của những trẻ khiếm khuyết. Cô Thu cho rằng, trước khi là cô giáo thì phải làm bạn, tạo sự thân thiện, gần gũi để các em mạnh dạn hơn, tự tin hòa nhập và vui chơi cùng tập thể.
Để làm được điều đó, nữ nhà giáo phải nắm được tâm lý, từ đó động viên, chăm sóc các em nhiều hơn. “Dạy học tại nơi này như một sự sẻ chia, niềm thương yêu với những số phận không được may mắn trong cuộc sống. Bản thân luôn cố gắng làm những điều tốt nhất, dạy cho các em cái chữ, có được những kỹ năng sống”, cô Thu tâm sự.
Với tình yêu dành cho trò, dù chỉ dạy các em những năm đầu bậc tiểu học nhưng các em luôn xem cô là người thân, vẫn tìm đến chia sẻ câu chuyện trong học tập, cuộc sống. Nhiều em có việc làm, ngày xây dựng gia đình còn đến mời cô giáo tham dự.
Để giúp học trò tiếp cận, bắt nhịp tốt hơn với học tập, cô cùng đồng nghiệp là cô Nguyễn Thị Hồng Thu có nhiều sáng kiến về làm đồ dùng dạy học.
Tiêu biểu nhất là sáng kiến “Mô hình hình học giúp học sinh khiếm thính Trường Chuyên biệt Tương lai học tốt môn Toán”. Sáng kiến đoạt giải C cấp thành phố, năm học 2021 - 2022. Cũng trong năm học này, sáng kiến này đoạt giải Nhất cuộc thi đồ dùng dạy học cấp nhà trường và giải Ba hội thi đồ dùng dạy học do Dự án “Tăng cường năng lực mạng lưới hệ thống giáo dục hòa nhập cộng đồng tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng” tổ chức; giải Nhì cấp thành phố dành cho sáng kiến “Ô cửa sổ đa năng cho học sinh khiếm thính Trường Chuyên biệt Tương lai TP Đà Nẵng”.
Có cháu được cô Thu giảng dạy, ông Võ Tấn Vĩnh (trú Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, tình thương yêu của cô Thu dành cho trẻ khuyết tật đã giúp ông và gia đình yên tâm hơn. “Cô Hoài Thu như là người mẹ thứ hai của các cháu khuyết tật. Gia đình chúng tôi vui và ấm lòng trước những cử chỉ, sự quan tâm của cô dành cho các cháu. Hy vọng cô mãi là người “truyền lửa”, dạy dỗ, động viên các cháu không may bị khiếm khuyết, bớt tự ti để hòa nhập với cuộc sống”, ông Vĩnh chia sẻ.
Trái tim yêu nghề đã khiến mọi nhọc nhằn, khó khăn trở thành niềm vui. Với cô Thu, hạnh phúc nhất khi những đứa trẻ khiếm thính có thể hòa nhập và đứng vững trên đôi chân mình để bước vào đời. Đó cũng là tâm niệm của nhiều thầy, cô giáo đang từng ngày nỗ lực đưa những em nhỏ khuyết tật hòa mình với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.