Cô giáo mến trẻ, yêu nghề và đam mê làm thiện nguyện

Dung Nguyễn | 28/05/2022, 10:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Trần Thị Thu Thuỷ chẳng thể nhớ bản thân bắt đầu làm thiện nguyện và hỗ trợ học sinh nghèo từ khi nào. Cô chỉ nhớ, khi thấy bất kì hoàn cảnh nào khốn khó nào cô đều muốn san sẻ, giúp đỡ để họ vơi bớt khó khăn.

Cô Trần Thị Thu Thuỷ đến thăm và tặng quà cho học sinh khó khăn.Cô Trần Thị Thu Thuỷ đến thăm và tặng quà cho học sinh khó khăn.

Mến trẻ đến yêu nghề

Cô Trần Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả. Chính vì vậy, khi còn ngồi trên ghé nhà trường cô đã ý thức được việc học.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12 cô Thuỷ thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Tuy nhiên, quãng đường từ nhà đến trường khá xa, nếu theo học cô phải ở trọ và tốn kém chi phí đi lại, ăn uống. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên cô quyết định học Trung cấp Sư phạm Kon Tum ở gần nhà để bớt các khoản chi phí.

“Trước kia khi đi học tôi học tốt khối B với hy vọng có thể theo học ngành Y. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn nên tôi quyết định học Sư phạm để đỡ đần chi phí cho bố mẹ. Đến khi ra trường, tôi dạy học sinh ở những vùng khó khăn. Chứng kiến cảnh khốn khó, thiếu thốn trăm bề của học trò, tôi cảm thấy thương các em và ngày càng yêu quý nghề nhà giáo”, cô Thuỷ bộc bạch.

Khi tốt nghiệp Trung cấp, cô Thuỷ học lên Đại học rồi về giảng dạy tại trường Tiểu học Tân Điền (xã Đoàn Kết, TP Kon Tum). Mỗi ngày, cô Thuỷ cố gắng dậy từ sáng sớm, đạp xe hơn 10km để vào làng dạy chữ cho học trò.

“Ngày đầu, khi mới vào nhận lớp tôi chứng kiến cảnh các em đi chân đất, quần áo lấm lem bùn đất. Không những vậy khi điểm danh, học sinh lớp 1 chẳng nhớ nổi tên của bản thân. Thế rồi, tôi đến từng bàn, hỏi tên từng em nhưng lũ trẻ cứ ngơ ngác nhìn nhau. Bỗng chốc tôi thấy bất lực, bật khóc rồi nhờ đến sự trợ giúp của thầy hiệu trưởng và cô giáo người bản địa. Thời gian sau đó, tôi mới làm quen, bắt nhịp và có thể thấu hiểu học trò hơn”, cô Thuỷ nhớ lại.

Từ khi chứng kiến cảnh học trò thiếu ăn, thiếu mặc khi đến trường, cô Thuỷ bắt đầu kêu gọi gia đình, bạn bè hỗ trợ quần áo, mì tôm cho các em. Dần dần, những việc làm ý nghĩa của cô được nhiều người biết đến. Những ngày cuối tuần, cô đến từng buôn làng, trường học khó khăn trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho học sinh.

“Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến cảnh mẹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Và cũng chính gia đình đã dạy tôi phải biết sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Do đó, lớn lên khi thấy những hoàn cảnh khốn khó tôi luôn muốn dang tay giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng bất kì ai làm từ thiện đều xuất phát từ tâm và lòng thương người. Tôi cũng vậy, bắt nguồn từ việc mến trẻ đến yêu nghề và muốn san sẻ cho những người khó khăn hơn”, cô Thuỷ chia sẻ.

Quan tâm, thấu hiểu giáo viên và học sinh

Cô Thuỷ (ngoài cùng bên trái) tặng SGK cho học sinh vùng khó.

Suốt hàng chục năm làm thiện nguyện, cô Thuỷ không nhớ đã đến bao nhiêu buôn, làng và hỗ trợ cho bao nhiêu người dân, học sinh khó khăn. Cô chỉ nhớ, mỗi khi có người khốn khó cần là cô đều sẵn sàng giúp đỡ. Từ những suất cơm từ thiện trước cổng bệnh viện hay sách vở, nhu yếu phẩm, bảo hiểm cho học sinh nghèo, hoặc hỗ trợ những suất quà cho bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở Miền Trung…

Từ khi còn là giáo viên, đến lúc giữ chức hiệu trưởng, trước mỗi chuyến đi từ thiện cô Thuỷ luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giáo dục. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần hoặc buổi tối cô đến thăm những hoàn cảnh khó khăn rồi tặng quà hỗ trợ. Tất cả những chuyến đi thiện nguyện của cô Thuỷ đều được công khai lên mạng xã hội để các mạnh thường quân theo dõi, nắm bắt. Đặc biệt, cô Thuỷ chỉ nhận quà, hiện vật… của các mạnh thường quân hỗ trợ chứ không nhận tiền.

Cô Thuỷ tâm sự rằng, bên cạnh việc làm từ thiện cô cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và quan tâm, thấu hiểu giáo viên cũng như học sinh của mình. Cô cũng tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, cấp quốc gia và rèn luyện viết chữ đẹp. Bởi cô quan niệm rằng hiệu trưởng có gương mẫu, sát sao và gẫn gũi với cán bộ, nhân viên thì mới có một tập thể vững mạnh. Từ đó giáo viên mới yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho giáo dục để học sinh phát triển toàn diện.

“Để có được thành công trước tiên phải tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn, cảm thông và chịu khó trau dồi, học hỏi. Tôi luôn quan niệm, học – học nữa – học mãi”, nữ Hiệu trưởng chia sẻ.

Thời gian rảnh rỗi cô Thuỷ tham gia nấu cơm thiện nguyện.

Với những cống hiến của mình, cô Thuỷ nhiều năm liền đạt Chiến sĩ thi đua. Bên cạnh đó, được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2016-2017, 2017-2018. Đặc biệt, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng kỉ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục của đất nước…

Thầy Thái Khắc Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT TP Kon Tum nhận xét, cô Trần Thị Thu Thuỷ là một cán bộ quản lý tốt, gương mẫu. Không những vậy, cô Thuỷ cũng có nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khó khăn trên địa bàn thành phố và các huyện trên địa bàn tỉnh.

Bài liên quan
Người luôn hết mình với những hoạt động thiện nguyện
(GDTĐ) - Chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Kinh Doanh Bếp và Gia dụng Việt Nam Vũ Văn Hải là doanh nhất hết mình với công tác thiện nguyện.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo mến trẻ, yêu nghề và đam mê làm thiện nguyện