Cô giáo Tày "tưới" đam mê cho trò nghèo

Ngọc Trang | 17/11/2021, 14:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1986, người Tày) dạy Vật lý ở Trường THPT Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. 11 năm giảng dạy, cô đã tưới đam mê vào những giờ học khô khan, nuôi dưỡng ước mơ cho trò nghèo đến chân trời Đại học.

Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân về công tác tại trường THPT Nguyên Bình
Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân và các em học sinh trường THPT Nguyên Bình - tỉnh Cao Bằng.

Tưới đam mê vào những tiết học khô khan

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân về công tác tại trường THPT Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đây chính là ngôi trường đã gắn bó với cô trong suốt 3 năm học THPT.

Trường THPT Nguyên Bình có tuổi đời hơn 50 năm. Trường có hơn 97% học sinh là người dân tộc thiểu số. Đa số các em nhà xa phải trọ học, nên điều kiện ăn, ở gặp nhiều khó khăn. Vì xa nhà nên các em thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ phụ huynh học sinh.

Để giúp các em yên tâm học tập, cô Xuân cùng đồng nghiệp thường xuyên tới khu trọ, hỏi thăm về nơi ăn, chốn ở. Giải đáp những thắc mắc, những bài tập khó mà học sinh còn vướng mắc.

Với môn Vật lý, nhiều học sinh cảm thấy khó hiểu, trừu tượng. Vì vậy, cô luôn tìm phương pháp phù hợp nhất với từng học sinh. Từ đó, giúp các em hứng thú hơn trong học tập. Cô đã biến những giờ học khô khan thành những tiết học vui tươi và bổ ích.

Cô thường xuyên viết sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dạy học. Các sáng kiến đều đã được áp dụng và đem lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy, cũng như công tác ôn thi tốt nghiệp THPT hàng năm.

Trong thời gian các em nghỉ phòng chống dịch, cô dồn thời gian cho việc chuẩn bị bài giảng thật tốt. Tham gia dạy học trực tuyến, ôn tập cho các em dự thi tốt nghiệp THPT tổ hợp khoa học tự nhiên.

Co-giao-Tay-day-vat-ly
Cô Xuân cùng học trò. Ảnh: NVCC.

"Thắp sáng ước mơ" cho trò nghèo

THPT Nguyên Bình là trường huyện miền núi. Điều kiện vật chất phục vụ cho công tác học trực tuyến nhiều khó khăn. Phần lớn các em không có máy tính.

Hàng ngày các em phải sử dụng điện thoại  để tham gia học. Đường truyền mạng không ổn định do các em đăng ký mạng 3G dung lượng thấp. Trong quá trình học mạng thường xuyên bị lag nên việc truyền tải và tiếp nhận kiến thức chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Cô Xuân đã tham mưu với Chi bộ Đảng, Ban giám hiệu nhà trường, phối hợp với Trung tâm Viễn thông huyện Nguyên Bình đưa ra những gói cước ưu đãi tốc độ cao dành riêng cho học sinh khối 12 đang ôn thi tốt nghiệp THPT tại nhà trường. Vận động học sinh trong lớp đóng góp, ủng hộ tiền cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn để mua những gói dung lượng cao phục vụ cho việc ôn tập. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, cô hết mình hỗ trợ học sinh ôn tập. Kêt quả, nhiều em thi tổ hợp khoa học tự nhiên đỗ vào các trường đại học top đầu như: Học viện cảnh sát, Học viện an ninh, Trường Sĩ quan chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội,…

Là giáo viên chủ nhiệm, cô luôn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của các em. Học sinh mà cô ấn tượng nhất đó là Em Lý Dào Quyên, dân tộc Dao, học sinh khóa 2017 -2020, ở xóm Xiên Pèng, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Gia đình Dào Quyên có hoàn cảnh rất khó khăn. Quyên bị mất bàn tay phải nên học bằng tay trái. Khi biết hoàn cảnh của em, cô cùng Ban giám hiệu nhà trường, đoàn trường đã trực tiếp tới thăm gia đình và thực hiện phóng sự chương trình “Thắp sáng ước mơ”. Cô và các đồng nghiệp cũng trích 1 phần lương nhỏ bé của mình để ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình này.

Có được hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần, Quyên đã nỗ lực trong học tập, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Trong kì thi tốt nghiệp năm 2020 em thi và đỗ vào khoa Luật Trường Đại học Mở Hà Nội theo đúng ước mơ.

Hiện tại, Quyên đang học ở Hà Nội. Em được rất nhiều mạnh thường quân và nhất là cộng đồng người Dao tại Hà Nội giúp đỡ để theo đuổi ước mơ của mình. Cho đến giờ, Lý Dào Quyên vẫn thường xuyên liên lạc, nhắn tin trò chuyện, chia sẻ với cô về cuộc sống và học tập.

Cô giáo Tày
Cô Xuân luôn hướng dẫn tận tình cho học sinh.

Biến khó khăn thành động lực

Ngoài giờ dạy trên lớp, bản thân cô còn phải lo cho cuộc sống gia đình. Chồng cô Xuân là kỹ sư xây dựng,. Do ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19 nên thu nhập còn bấp bênh. Bản thân cô công tác xa nhà, cả bố chồng và mẹ chồng cô đều mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải đi bệnh viện chữa bệnh. Do vậy tài chính và kinh tế gia đình cô càng khó khăn.

Mặc dù còn nhiều thách thức trong cuộc sống, nhưng cô Xuân luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chi bộ Đảng, Ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp, sự yêu thương, tin tưởng của học sinh. Đó chính là nguồn động lực để cô tiếp tục nỗ lực trong công tác, góp phần nhỏ bé của mình vào bảng vàng thành tích của nhà trường nói riêng và sự nghiệp Giáo dục và đào tạo nói chung.

Với những đóng góp cho công tác giáo dục, cô Xuân vinh dự đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, Bằng khen của UBND tỉnh, Bằng khen của Huyện đoàn, Tỉnh đoàn.

Đặc biệt, cô Xuân vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021.

Bài liên quan
Cô giáo mầm non xung phong ra huyện đảo Bạch Long Vĩ
(GDTĐ) - Hơn 22 năm công tác, cô Lưu Thị Thoa (SN 1977) luôn nỗ lực chăm nom, uốn nắn và truyền đạt tri thức cho học sinh vùng huyện đảo Bạch Long Vĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo Tày "tưới" đam mê cho trò nghèo