Một số “du học sinh nhảy dù” thú nhận rằng họ hoặc bạn bè của họ đã trải qua các giai đoạn trầm cảm và rối loạn ăn uống, đồng thời nói thêm rằng họ phải vật lộn để được chăm sóc, tìm người tâm sự đáng tin cậy hoặc bày tỏ cảm xúc của mình một cách chính xác.
“Cơn sốt” du học và mong ước thành công dân toàn cầu
Du học sinh Gen Z đang dần làm thay đổi hình ảnh truyền thống về sinh viên quốc tế châu Á tại Mỹ. Trước đây, nhóm này được mô tả là trầm lặng, tách biệt với xã hội và khá “mọt sách”. Và “thế hệ nhảy dù” - vốn ở độ tuổi rất trẻ đã phá bỏ khuôn mẫu này khi họ tiếp thu văn hóa Mỹ nhiều hơn sinh viên đại học.
Dẫu vậy việc sinh ra và lớn lên rồi chuyển sang học tập ở một môi trường trái ngược cũng gây ra những bất ổn tâm lý ở độ tuổi teen. Anastasia Lin, học sinh tại một trong những trường nội trú hàng đầu của New England cho biết: “Tôi thuộc về mọi nhóm, nhưng tôi cũng không thuộc về bất kỳ nhóm nào. Tôi nhảy qua nhảy lại giữa hai ngôn ngữ - tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ, luôn tung hứng với những khuôn mẫu. Tôi mọt sách và đạt thành tích cao như truyền thống dân tộc tôi nhưng tôi cũng thích nhảy nhót, âm nhạc - thứ gần gũi hơn với người phương Tây”.
Mặc dù thành công trong học tập và xã hội, cô thấy cuộc sống ở thị trấn nhỏ New England cô đơn: “Tôi không có một người bạn nào thực sự hiểu tôi”.
Phần lớn những “đứa trẻ nhảy dù” được Sixth Tone phỏng vấn trong nhiều năm đã quay trở về nước sau khi tốt nghiệp hoặc bày tỏ ý định như vậy sau khi lấy bằng đại học ở Mỹ. Không giống như những thế hệ trước thường lên kế hoạch làm việc ở nước ngoài trong vài năm trước khi trở về, thế hệ hiện tại dường như ít bị mê hoặc hơn với những cơ hội định cư nước ngoài. Hầu hết mọi người đều không coi đây là nghĩa vụ đối với quê hương của họ mà đơn giản chỉ là vì họ thích cuộc sống ở nhà hơn.
Nguồn: Sixth Tone