Cô trò nghèo thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh từng có ý định bỏ học

Ngọc Trang | 22/03/2022, 16:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Suốt 12 năm gắn bó, cô Bùi Thị Thanh Loan (trường THPT Thanh Bình 1, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) luôn hun đúc tình yêu của học sinh huyện nghèo với môn Địa lý nhờ nhiều sáng kiến hiệu quả.

Từng có ý nghĩ bỏ học

Nhớ lúc chập chững bước chân vào ngành sư phạm Địa Lý của trường Đại học sư phạm Đồng Tháp năm 2005, cô Loan (sinh năm 1985) đã nghĩ mình sẽ không thể theo học hết 4 năm đại học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông anh em, cha thì bị bệnh tai biến, đi lại được nhưng mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ đến mẹ. Tất cả gánh nặng cơm áo gạo tiền, lo cho 6 anh em ăn học lại đè lên đôi vai gầy guộc nhỏ bé của mẹ.

Lúc đó, cô muốn bỏ học để thay mẹ lo cho các em đang tuổi ăn, tuổi học. Nhưng cô nghĩ, nếu mình nghỉ học rồi thì gia đình mình có khá lên không hay tiếp tục một vòng tròn nghèo nàn, lạc hậu lại tiếp đến thế hệ con cháu. Bởi vậy, cô quyết định tiếp tục học thật tốt để khi ra trường đem hết khả năng của mình truyền lại cảm hứng, ý chí, nghị lực và cách sống, cách làm người có ích cho xã hội cho các em sau này. Mơ ước đó đã thành hiện thực cho đến thời điểm hiện tại với 12 năm đứng trên bục giảng.

Năm 2009 khi tốt nghiệp ra trường, cô được phân công về trường THPT Trần Văn Năng. Lúc này trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và còn một vài lớp gốc bán công. Sức học các em còn hạn chế nên đòi hỏi một cô giáo trẻ cần phải nỗ lực hết mình. Do điều kiện khó khăn không phương tiện dạy học, nhà cách trường hơn 10km phải qua đò nên quá trình di chuyển đi lại gặp nhiều khó khăn. Cô Loan phải đi nhờ đồng nghiệp nếu cùng ngày dạy, hoặc đi xe đạp đến trường.

Không nản lòng, cô giáo trẻ luôn tìm tòi, học tập, sáng tạo ra các phương pháp, phương tiện dạy học và rèn luyện kỹ năng cho trò nghèo. Cố gắng vun đắp, bồi dưỡng cho các em có niềm đam mê môn Địa Lý hay kèm cặp các em còn yếu kém để các em có đủ tự tin thi tốt nghiệp 12.

anh-hoat-dong-5.jpg
Cô Bùi Thị Thanh Loan (bên trái) tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ xã hội.

Năm 2010 là năm ấn tượng nhất, bởi cô được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng các em học sinh thi chọn học sinh giỏi văn hóa 12 và chọn thi học sinh giỏi cấp quốc gia.

Để tiện cho việc giảng dạy, bồi dưỡng cho các em, cô xin gia đình đến ở trong khu tập thể của trường. Từ đó cô bắt đầu chuyên tâm vào công tác giảng dạy. Mỗi buổi tối cô nhờ phụ huynh đưa các em ra trường để kèm cặp, truyền đạt thêm kiến thức cho những em bị hổng kiến thức và cho những em trong đội học sinh giỏi.

Kết quả đạt được ngoài sự mong đợi khi năm đầu tiên bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa đạt kết quả 4/4 học sinh đạt giải cấp tỉnh và 1 học sinh được thi vòng quốc gia.

Cứ thế, hết năm học này đến năm học khác, cô luôn phấn đấu rèn luyện kĩ năng, chuyên môn, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo ra nhiều giải pháp mới trong dạy và học. Cô luôn xem các em là con cháu của mình, đặt mình vào vai trò phụ huynh mà luôn cố gắng làm tròn bổn phận của người thầy.

Đối với công tác chuyên môn, cô luôn trao dồi kiến thức, tìm ra các giải pháp, sáng kiến để bồi dưỡng các em có học lực khá, giỏi thi vào các trường đại học, học viện. Đối với các em có lực yếu hơn cô cố gắng kèm cặp làm sao để các em có điểm tốt để đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Từ đó tỷ lệ các em tốt nghiệp ngày càng cao.

Đội mưa nắng làm shipper sách giáo khoa

congtruong.jpg
Trường THPT Thanh Bình 1, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp là nơi cô Loan tham gia giảng dạy.

Cô Loan không nhớ hết là có bao nhiêu học sinh mình đã “đưa qua sông” thành công, không nhớ hết mấy trăm đứa con mình đã thay phụ huynh chăm lo dạy dỗ trong thời gian chủ nhiệm. Mỗi năm học là một cung bậc cảm xúc khác nhau, nỗi buồn, nỗi lo, sự trăn trở. Mỗi khi nghe các học sinh báo tin đậu vào đại học, các học viện, các trường sĩ quan, học viện quân sự, các trường cảnh sát, học viện cảnh sát là niềm vui, niềm hạnh phúc trong cô cứ dâng trào.

“Tôi vui mừng khi thấy học trò trưởng thành, thành đạt như em Thái Dương từng là học sinh giỏi môn Địa Lí hiện là công an huyện Hồng Ngự. Em Thành Quý vừa tốt nghiệp Học viện Biên phòng Hà Nội, về quê hương hỗ trợ tuyến đầu chống dịch ở Hồng Ngự… Ngày xưa niềm đam mê của tôi là thích ngành quân đội với công an. Ước mơ không thực hiện được, nay đã hướng nghiệp cho các thế hệ sau khiến tôi rất hạnh phúc. Đôi khi nghe tin mấy em thi đỗ mà không kìm được nước mắt. Còn nhiều em học ở các ngành như luật sư, du lịch, văn hóa….cũng thường báo tình hình học tập cho cô”, cô Loan nói.

12 năm dạy học, năm nào cô cũng đều tham đăng ký thi đua các danh hiệu thi đua do nhà trường phát động. Đối với cô, điều đó giúp bản thân quyết tâm hơn nghề, truyền cảm hứng ý chí và nghị lực cho các em. Khi trò thấy cô giáo của mình luôn phấn đấu, các em sẽ noi theo và có động lực hơn.

Mặc dù, đời sống hiện tại của cô còn nhiều khó khăn khi nuôi 2 con nhỏ buộc cô phải làm thêm nhiều ngành nghề khác từ việc chăn nuôi cá, trồng nấm bào ngư, buôn bán quần áo, làm logo phù hiệu học sinh để trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhưng, bản thân cô luôn gắn chữ “tâm” với nghề, luôn phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Ngoài các công việc chuyên môn và chăm lo cho gia đình, cô Loan còn tham gia vào các hoạt động đoàn thể, tham gia các phong trào của ngành, phong trào thể thao cấp tỉnh, các cuộc thi chuyên môn, bồi dưỡng các em tham gia các phong trào văn nghệ, mỹ thuật, kĩ thuật cấp tỉnh. Cô Loan còn luôn quan tâm chia sẻ, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Năm học 2021 - 2022 cũng là năm học nhiều khó, trắc trở đối với nhà trường do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Nhiều học sinh không có sách giáo khoa do mua không được và không có. Cô đã cố gắng vận động và gom góp sách cũ từ các em năm trước rồi đưa đến các chốt cho các em nhận, hoặc đối với các em cho và nhận cùng xã, cùng ấp, cô nhờ các em đến nhận hoặc đưa.

Nhờ vậy mà cô giải quyết cho 16 em các khối lớp 10,11,12 có sách giáo khoa trong thời gian học online do giãn cách xã hội. Mặc dù, có gian nan dầm mưa, đội nắng làm “shipper” sách giáo khoa, nhưng cô cảm thấy vui gì đã giúp được một phần công sức nho nhỏ để giúp các em.

Với những đóng góp tích cực cho công tác giáo dục tại địa phương, cô Loan đã đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và được tặng Bằng khen của UBND tỉnh.

Bài liên quan
Cô giáo mầm non vùng sâu có nhiều sáng kiến thiết thực
Công tác trong ngành GD mầm non, cô Nguyễn Thị Mỹ Diện không chỉ tận tuỵ công việc, yêu nghề mến trẻ mà còn có các sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học… thiết thực hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô trò nghèo thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh từng có ý định bỏ học