Nhằm thúc đẩy sự phát triển, phục vụ công chúng, hướng đến tham gia phục vụ công nghiệp văn hóa, việc minh bạch trong mua bán và chuyển nhượng sẽ ngăn chặn được vấn nạn “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài.
Mới đây Bộ Tư pháp cho biết, hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được thẩm định, trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Theo đó, Bộ VH,TT&DL đề xuất sửa đổi một số điều về quản lý và chuyển nhượng cổ vật, nhằm tránh tình trạng thất thoát cổ vật và chống buôn bán trái phép di sản văn hóa theo Công ước 1970 của UNESCO.
Trong những đề xuất sửa đổi, giới chuyên gia và các nhà sưu tập chú ý nhất tới điều 41 của dự thảo quy định di vật (hiện vật được lưu truyền lại), cổ vật (hiện vật được lưu truyền lại từ 100 năm tuổi trở lên), bảo vật quốc gia (hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước) thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho.
Trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế trong nước theo quy định của pháp luật. Trong đó, di vật và cổ vật được phép kinh doanh trong nước, còn bảo vật quốc gia không được kinh doanh.
Bên cạnh đó là Điều 42 của dự thảo quy định Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và các pháp luật khác liên quan.
Dự thảo có nhiều điểm mới nhằm hạn chế những bất cập trong Luật Di sản hiện hành, như quy định đăng ký bảo vật quốc gia; quy định về cho phép, mua bán, trao đổi, tặng cho và kế thừa ở nước ngoài đối với di vật, cổ vật không thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để tránh tình trạng thất thoát cổ vật và chống buôn bán trái phép di sản văn hóa theo Công ước 1970 của UNESCO.
Theo Bộ VH,TT&DL, Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009. Qua hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, bên cạnh những thành tựu, cũng dần bộc lộ hạn chế.
Để từng bước hoàn thiện quy định trong từng điều, khoản của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), từ giữa tháng 11/2023 Bộ VH,TT&DL đã tổ chức hội thảo xin ý kiến góp ý dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu trên cả nước để làm rõ 6 vấn đề chính.
Trong đó có vấn đề quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoạt động bảo tàng và di sản tư liệu.
Việc đăng ký di vật, cổ vật đem lại nhiều lợi ích và giúp minh bạch trong việc mua bán, chuyển nhượng. |
Tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản cho hay, nhiều quy định mới được bổ sung. Đặc biệt đối với lĩnh vực bảo tàng tư nhân, để có những giải pháp về thuế, cơ chế chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy sự phát triển, phục vụ công chúng, hướng đến việc tham gia phục vụ công nghiệp văn hóa.
Giới sưu tập cổ vật và những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng tư nhân hi vọng dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi sẽ rõ ràng minh bạch hơn trong việc chuyển nhượng bảo vật quốc gia thuộc sở hữu cá nhân, dòng họ và các hình thức sở hữu khác được thừa nhận.
Trong dự thảo quy định “di vật và cổ vật được phép kinh doanh trong nước, còn bảo vật quốc gia không được kinh doanh”. Quy định rõ ràng này được nhận định có thể thúc đẩy quá trình đưa cổ vật, bảo vật quốc gia tham gia phục vụ ngành công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia thì phải làm tốt công tác “đăng ký di vật, cổ vật” để ngăn chặn vấn nạn “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài, ngừa tình trạng đào bới cổ vật trái phép cũng như vấn nạn đánh cắp cổ vật trong các di tích.
Bảo vật quốc gia trống đồng Kính Hoa thuộc bộ sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính (Hà Nội). |
Khi các di vật, cổ vật đã được đăng ký, chúng sẽ có mã số nhận diện cụ thể. Điều này lại dẫn tới một lợi ích khác thông qua hoạt động đấu giá. Đầu tiên là hình thành các sàn đấu giá chuyên nghiệp, thực hiện bài bản theo đúng Luật và Nghị định về hoạt động đấu giá thay vì các hoạt động nhất thời, thiếu chuyên nghiệp như hiện nay. Hoạt động đấu giá mặc dù thiên về tính thương mại, song lợi ích về mặt quảng bá di sản cũng tăng theo.
Khi thị trường cổ vật chuyển biến, năng động sẽ thu hút nhiều người, nhiều giới tham gia vào lĩnh vực này. Việc tham gia đó thể hiện trách nhiệm bảo tồn di sản, kéo theo nhiều bảo tàng tư nhân ra đời cũng như tạo động lực cho những nhà sưu tập cổ vật. Một quốc gia dù giàu có đến đâu cũng không đủ sức bảo vệ và sưu tầm di sản cổ vật, mà rất cần sự chung sức của các nhà sưu tập tư nhân.
Đơn cử như trong số các bảo vật quốc gia được công nhận, có khá nhiều bảo vật thuộc bộ sưu tập tư nhân, như 15 hiện vật trong bộ sưu tập An Biên thuộc sở hữu của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng), trống và thạp đồng thuộc bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Kính (Hà Nội)…
Dù được đấu giá hay nằm trong các bảo tàng công lập hoặc tư nhân thì cổ vật cũng đều phát huy giá trị. Hoạt động tham quan, thu hút khách quốc tế là điều hiển nhiên sẽ diễn ra, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa. Và khi cổ vật cũng tham gia vào quá trình này, việc bảo tồn và quảng bá di sản sẽ trở nên dễ dàng, sinh động hơn.
“Làm tốt được những sàn đấu giá cổ vật quy mô, thông qua kinh nghiệm đấu giá của những công ty có thâm niên của nước ngoài, những chuyên gia hàng đầu quốc tế, thị trường cổ vật sẽ minh bạch hơn, Nhà nước thu được thuế, những bảo tàng có đủ thông tin để sưu tầm được những cổ vật, di vật, bảo vật có giá trị, mà không phải băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ”, TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.