Công việc của giáo viên nặng nề hơn khi hiểu sai về Thông tư 27

16/01/2024, 06:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ thực tế giảng dạy hiện nay, các nhà trường đã thực hiện đánh giá học sinh theo lộ trình của Chương trình GDPT 2018 song vẫn còn trăn trở.

Từ thực tế giảng dạy hiện nay, các nhà trường đã thực hiện đánh giá học sinh theo lộ trình của Chương trình GDPT 2018 song vẫn còn trăn trở, chưa thống nhất. Đâu đó vẫn hiểu sai về Thông tư 27 nên công việc của giáo viên trở nên nặng nề hơn.

Trong khi đó, thông tư đã hướng dẫn rất cụ thể, dễ làm, tạo nhẹ nhàng cho giáo viên. Vì vậy, ở bài viết này, tôi đưa ra một số minh chứng từ thực tiễn dạy học về cách đánh giá thường xuyên để giáo viên thực hiện đúng với tinh thần của thông tư đề ra.

Đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục

Quy định đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư 27) được thực hiện theo lộ trình như sau: Từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2; Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3; Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4; Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5.

- Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.

- Học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập để học và làm tốt hơn.

- Cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.

Đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực

- Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá; căn cứ vào những biểu hiện về nhận thức, hành vi, thái độ của học sinh; đối chiếu với yêu cầu cần đạt của từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học để nhận xét và có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

- Học sinh được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi để hoàn thiện bản thân.

- Cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.

Minh họa cách đánh giá thường xuyên trong tiết dạy

Môn Tiếng việt (Lớp 4 - Sách Cánh Diều) – Luyện từ và câu: Luyện tập về tính từ (trang 96)

Yêu cầu cần đạt:

Tìm được tính từ trong đoạn văn, xếp được tính từ vào nhóm thích hợp. Viết được đoạn văn có tính từ theo yêu cầu.

Biết cùng các bạn thảo luận nhóm, giải quyết nhiệm vụ học tập

Bồi dưỡng phẩm chất chăm chỉ, có trách nhiệm, yêu quý họ hàng.

Ở phần khởi động: Giáo viên tạo tâm thế, tạo mạch kiến thức để học sinh bắt nhịp vào bài học. Ở bài này có thể khởi động: Cả lớp hát bài: Chị Ong Nâu và em bé.

Giáo viên hỏi về các từ màu sắc, đặc điểm có trong bài hát? Học sinh trả lời - Giáo viên nhận xét và kết hợp giới thiệu bài: Luyện tập về tính từ

Ở phần Luyện tập về tính từ:

Bài tập 1 (Tìm tính từ)

Học sinh hoạt động với các mảnh ghép (Phiếu học tập)

Giáo viên giao nhiệm vụ:

Nhiệm vụ 1: Tìm các tính từ có trong câu 1,2,3,4

Nhiệm vụ 2: Tìm các tính từ có trong câu 5, 6

Đại diện nhóm chia sẻ, nhóm khác nhận xét và bổ sung.

Giáo viên chiếu chốt đáp án:

Đó là một buổi sáng đầu xuân. Trời đẹp. Gió nhẹ và hơi lạnh.

Chiếc máy xúc của tôi hối hả xúc những gầu đất chắcđầy. Chợt lúc quay ra, qua khung cửa kính của buồng máy, tôi bắt gặp một người ngoại quốc cao lớn đứng sừng sững dưới đất. Bộ quần áo xanh màu công nhân, thân hình chắckhoẻ, khuôn mặt to chất phác,... tất cả gợi lên ngay từ phút đầu những nét giản dị, thân mật.

Theo Hồng Thủy

- Học sinh các nhóm đối chiếu kết quả và nhận xét lẫn nhau.

- 1 học sinh hỏi bạn: Tại sao bạn chọn: giản dị và thân mật là tính từ?

- Học sinh khác đáp: Mình thưa bạn ! Vì hai từ đó đều chỉ tính cách của con người.

- Giáo viên giải thích thêm: Hối hả là tính từ miêu tả đặc điểm của máy xúc khi làm việc.

(Đánh giá thường xuyên: Học sinh nhận xét học sinh; giáo viên nhận xét học sinh.)

Bài tập 2 (Xếp các tính từ)

Trò chơi: Chia lớp thành 2 đội Thỏ Trắng và Sóc Nâu. Giáo viên đính bảng nhóm lên với yêu cầu: Xếp các tính từ vừa tìm được vào nhóm thích hợp:

- Chỉ hình dáng:

- Chỉ màu sắc:

- Chỉ tính cách:

- Chỉ tính chất:

Giáo viên chuẩn bị các thẻ ghi từ: Cao lớn, sừng sững, to, xanh, chất phác, đẹp, nhẹ, lạnh, hối hả, chắc, đầy, chắc, khỏe, giản dị, thân mật.

- Sau khi 2 đội chơi đã hoàn thành, giáo viên cho học sinh tự đếm các đáp án đúng và đồng thời đọc to các tính từ. Học sinh báo cáo tổng số tính từ đúng theo yêu cầu. Sau đó giáo viên chiếu đáp án để chốt kiến thức như sau:

Hình dángMàu sắcTính cáchTính chất
Cao lớn, sừng sững, toXanhChất phácĐẹp, nhẹ, lạnh, hối hả, chắc, đầy, chắc, khỏe, giản dị, thân mật

Đánh giá thường xuyên: Học sinh đánh giá học sinh, giáo viên đánh giá học sinh. Qua trò chơi đã phát triển được nhanh nhạy, vui, sôi nổi trong tiết học.

Bài tập 3. Viết đoạn văn ngắn (4 - 5 câu) về một người họ hàng của em, trong đó có sử dụng ít nhất 3 tính từ.

- Giáo viên cho học sinh nhắc lại quy tắc bàn tay khi viết đoạn văn.

Bước 1. Viết về ai?

Bước 2. Tìm ý

Bước 3 . Sắp xếp ý theo suy nghĩ của em.

Bước 4. Viết đoạn văn: Viết các ý thành câu, viết câu liền mạch.

Bước 5. Hoàn chính đoạn văn: Sửa lỗi, bổ sung ý hay.

Giáo viên cho 2 học sinh ngồi cạnh nhau để hỏi bạn viết về ai? Bạn định viết những gì về người đó? (đặc điểm về ngoại hình, tuổi, sở thích, tính cách,…). Học sinh nói cho nhau nghe về người họ hàng của mình.

Đại diện các cặp đôi chia sẻ miệng trước lớp.

Học sinh nhóm khác hỏi? Trong đoạn văn bạn vừa chia sẻ đã sử dụng những tính từ nào? Học sinh trả lời – Học sinh khác nhận xét.

- Giáo viên lưu ý học sinh cách viết đoạn văn.

- Học sinh viết đoạn văn vào vở, giáo viên đi từng bàn kiểm tra và nhận xét bằng lời nói một số bài văn hoặc gạch chân một số lỗi (nếu có) bằng mực đỏ. Đồng thời giúp học sinh viết lại các câu sau khi đã sửa.

- Giáo viên sửa sai cho học sinh, nhận xét học sinh: Khi em học sinh A sai, mời em B sửa, sau đó mời em A đọc lại. Đây là việc làm rất cần thiết trong đánh giá thường xuyên. Đã sửa sai cho học sinh là sửa triệt để và cái đích học sinh cần là viết lại được đoạn văn hay hơn.

- Giáo viên chụp một số bài làm hay chiếu lên màn hình (giấu tên) để không so sánh giữa học sinh này với học sinh khác.

Sau đó cho học sinh nhận xét về cách trình bày đoạn văn, cách sử dụng các tính từ phù hợp với ngữ cảnh, viết hoa các tên riêng, cách dùng từ hay, giàu hình ảnh,…

Ở bài này học sinh đã đạt đúng yêu cầu bài, chữ viết và trình bày đẹp thì giáo viên có thể ghi nhận xét bằng lời như sau: Em viết rất ấn tượng. Cô Khen!/ Bài viết hay. Cô khen em! Hoặc: Hôm nay cô thích cách viết của em. Cô khen! (Qua bài tập này thể hiện đánh giá thường xuyên có thể bằng lời hoặc ghi nhận xét vào vở học sinh).

Ở phần vận dụng: Học sinh đặt các câu văn hay có sử dụng tính từ. Học sinh khác hỏi bạn về tính từ bạn đã sử dụng trong câu rồi nhận xét lẫn nhau.

Giáo viên nhận xét, khen tinh thần học tập sôi nổi của các em trong tiết học.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Một số lưu ý khi đánh giá thường xuyên

Căn cứ vào yêu cầu cần đạt, giáo viên phân hóa đối tượng học sinh của lớp mình để đánh giá thường xuyên một cách nhẹ nhàng, hiệu quả, phát huy được năng lực của học sinh. Đánh giá thường xuyên chủ yếu nhận xét bằng miệng, đôi lúc cần thiết thì có thể ghi bằng lời, không chấm điểm ở vở học sinh.

Ngoài nhận xét bằng miệng thì giáo viên có thể ghi nhận xét ở vở học sinh như sau:

- Nếu bài làm của học sinh đúng cả, chữ viết và trình bày đẹp thì giáo viên ghi lời nhận xét chung thể hiện lời khen ở bài cuối (chữ viết của giáo viên phải cẩn thận khi viết vào vở của học sinh)

- Khi ghi nhận xét bài của học sinh không sử dụng quá nhiều bút mực màu đỏ ở tất cả các bài mà giáo viên linh hoạt khi chú ý hướng tới phát triển năng lực ở mỗi học sinh. Chẳng hạn: Mỗi bài học có nhiều bài tập thì giáo viên tùy vào trình độ của học sinh.

Với em yếu, trung bình thì có thể đánh giá mỗi bài 1 hoặc bài 2, nếu đúng (Khen), nếu sai gạch chân và giúp em viết lại cho đúng ở phía dưới. Nhưng với em giỏi muốn phát triển năng khiếu ở em này cần đánh giá bài tập khó nhất, phát triển thêm cách làm hay (hỏi miệng) giáo viên giúp em hoàn chỉnh bài tập khó nhất.

- Nếu ghi lời nhận xét trong vở học sinh phải ghi nội dung thể hiện được đầy đủ nội dung khen hoặc nội dung cần sửa lỗi. Ví dụ: Nếu học sinh viết sai chỉ 1 lỗi không viết hoa tên riêng, giáo viên gạch chân và đánh giá miệng, yêu cầu học sinh viết hoa lại tên riêng.

- Nếu trong bài nhiều lỗi quá không thể nhận xét hết các lỗi thì chỉ gạch chân và chỉ nhận xét bằng miệng giúp học sinh sửa sai bằng cách viết và đọc lại nội dung đã sửa. Khi chụp chiếu lên ti vi để sửa cho học sinh là chọn bài khen (giấu tên). Giáo viên không sử dụng các con dấu đã ghi sẵn nội dung: Em làm bài tốt! Cô khen! Nếu làm như thế này không phát huy được năng lực của từng em, gây nhàm chán.

Về phía trao đổi với phụ huynh để phụ huynh hiểu, không đánh giá bằng điểm số trong vở, tạo nhẹ nhàng, không áp lực các con về điểm số. Đây là cách đánh giá thực sự giúp các em tiến bộ nhanh hơn, thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của học sinh. Khi nhận xét bài vào vở của học sinh, chữ viết đẹp và ngôn ngữ của giáo viên phải chuẩn mực, cụ thể thì mới khích lệ được học sinh trong đánh giá thường xuyên.

Như vậy, đánh giá thường xuyên là hoạt động đánh giá diễn ra trong tiến trình thực hiện các hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và một số biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh.

Đồng thời cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh, để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học, hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

Để nâng cao chất lượng học tập trong đánh giá thường xuyên, giáo viên cần linh hoạt, sử dụng một cách hợp lí, đúng mực và khéo léo các nhận xét của mình cho sản phẩm học tập của học sinh, giúp học sinh biết được các em đang ở đâu so với yêu cầu, đích và các em cần đến trong thời gian tiếp theo.

Từ đó đã tạo cho học sinh một niềm tin và sức mạnh để phát triển được năng lực, sở trường và tự đánh giá được sự tiến bộ của bản thân các em. Đây là mục tiêu quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đánh giá học sinh tiểu học là quá trình thu thập, xử lý thông tin thông qua các hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; diễn giải thông tin định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực của học sinh tiểu học.

Đánh giá thường xuyên là hoạt động đánh giá diễn ra trong tiến trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và một số biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh. Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh, để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học, hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

Đánh giá định kỳ là đánh giá kết quả giáo dục học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công việc của giáo viên nặng nề hơn khi hiểu sai về Thông tư 27