Đẩy mạnh các phong trào thi đua
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã ghi nhận những nỗ lực của các thành viên trong Cụm thi đua số 5 về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận kết quả đạt được của đơn vị thuộc Cụm thi đua số 5 trong năm học 2021-2022. |
Thứ trưởng nhấn mạnh, các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 5 đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản, nghị quyết, trong đó, đã có 6/7 tỉnh tham mưu để Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về giáo dục. Điển hình là tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu để HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về biên chế giáo viên, đến nay đạt hiệu quả thiết thực.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được các đơn vị bám sát và đạt kết quả tốt. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì và giữ vững. Một số tỉnh có tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia cao như Bắc Giang đạt 93,7%; Phú Thọ đạt 89,5%; Thái Nguyên đạt 86,11%.
Công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra được duy trì và thực hiện đúng quy định, nhiều tỉnh làm tốt: Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên (Sở GD&ĐT Phú Thọ đứng 2/20 sở, ngành thuộc UBND tỉnh về chỉ số cải cách hành chính và xếp loại chất lượng hoạt động của các cơ quan cấp tỉnh năm 2021; Sở GD&ĐT Bắc Giang xếp thứ 3 trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Sở GD&ĐT Thái nguyên được UBND tỉnh tặng Bằng khen về Chỉ số PAPI).
Về công tác Thi đua - Khen thưởng, các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 5 đã thực hiện tốt phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; "Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch" của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành, địa phương.
Lãnh đạo Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam giải đáp những vấn đề được nêu trong tham luận của các đơn vị trong Cụm thi đua. |
Phát huy kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý các đơn vị cần quan tâm đến một số nội dung trong thời gian tới, đó là: Triển khai tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” và mô hình xây dựng trường học hạnh phúc; quan tâm đến vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh.
Đối với sách giáo khoa của năm học mới, Thứ trưởng yêu cầu các nhà trường, giáo viên không ép phụ huynh mua sách tham khảo. Đối với sách giáo khoa mới lớp 3,7,10 cần tính toán, tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện xã hội hóa hoặc mua cho học sinh thuộc diện được cấp và cho thuê với những học sinh có nhu cầu.
Ngoài 10 vấn đề đã nêu trong phương hướng nhiệm vụ của năm 2022-2023, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần quan tâm đến công tác truyền thông để xã hội hiểu hơn trong chặng đường đổi mới của ngành Giáo dục. Đồng thời, qua công tác truyền thông nhằm lan tỏa, nhân rộng mô hình người tốt, việc tốt trong ngành và toàn xã hội.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của các đơn vị trong Cụm thi đua số 5, Thứ trưởng giao các vụ/cục liên quan tiếp thu nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết.
Về phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023, các đơn vị trong Cụm thi đua số 5 tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, thực chất và bền vững.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch 5 năm 2021- 2025 về phát triển giáo dục đào tạo, đặc biệt là mục tiêu đề ra trong năm học 2022-2023. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm chất lượng giáo dục mũi nhọn; chú trọng dạy chữ - dạy người - dạy nghề. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.