Cuộc sống tuổi 90 của nữ giáo sư toán học đầu tiên Việt Nam

Minh Nhân | 08/03/2023, 10:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đến với Toán học một cách tự nhiên, từ đó gắn chặt cuộc đời mình với nền giáo dục nước nhà, khi đã ở tuổi 90, GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính chưa thôi khát khao về giấc mơ giáo dục trọn vẹn.

Bức thư của ông Hoàng Trọng Liễu gửi từ tháng 5, nhưng cả nhóm họp lên họp xuống, đến tận tháng 8 vẫn chưa đưa ra được hướng giải quyết. 

Tôi cảm thấy xấu hổ: "Ông Liễu ở nước ngoài còn đau đáu với sự nghiệp giáo dục trong nước, chẳng lẽ mình không làm được gì?". Thế là tôi đánh liều, viết thư gửi lên Bộ Đại học, xin mở trường Đại học tư thục. 

Bộ Đại học không trả lời. 

Không từ bỏ, tôi liều lĩnh một thân một mình đến gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xin mở trường Đại học nhưng không xin tiền Nhà nước. 

Tổng Bí thư đồng ý ngay. 

Thông qua Ban Khoa giáo Trung ương (hiện là Ban Tuyên giáo) và Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Đại học (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) sau đó mời tôi đến nói chuyện, nói rằng đồng ý cho mở trường.

Gặp phải khó khăn, lý do gì khiến bà kiên định với "trường học mơ ước" của mình đến thế?

- Tôi xin mở trường tư thục với hai lý do: giúp giảng viên bớt khổ, có thể sống bằng nghề của mình và thay đổi giáo trình giảng dạy, mang kiến thức du học nước ngoài truyền đạt tới các thế hệ sinh viên.

Ngày đó, nhiều giáo viên sư phạm phải đi làm thêm, tranh thủ buổi sáng làm bánh rán rồi rao bán suốt từ Cầu Giấy đến Bệnh viện Bạch Mai, rồi lên Văn Điển. Dầu nóng từ nồi bánh rán đổ vào ngực, gây bỏng nhưng cũng mặc kệ. Tối, họ lại bán chè đỗ đen. Gánh chè dưới ánh đèn dầu nhập nhèm, cố để sinh viên không thấy rõ mặt thầy cô. 

Chúng tôi khổ cả vật chất lẫn tinh thần. Đi dạy mà còn phải lo toan bán hàng kiếm sống thì sao có thể dành tâm sức cho việc giảng dạy? Thực tế càng khiến tôi hun đúc về một "ngôi trường mơ ước", với kế hoạch 100 năm. Đây là kế hoạch phải thực hiện đủ mới có thể trở thành trường ĐH mang tầm quốc tế, cũng như trở thành ĐH đúng nghĩa mà tôi định hình. 

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 14

GS Hoàng Xuân Sính tiếp đón Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười năm 2009.

Sau nhiều nỗ lực, ngày 15/12/1988, tôi nhận được giấy phép đồng ý thành lập Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long (nay là Đại học Thăng Long). Lễ khai giảng đầu tiên của trường được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với sự góp mặt của nhiều nhân vật quan trọng, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo quy định khắt khe ngày đó, mỗi người chỉ được thi ĐH duy nhất một lần, nếu trượt không được thi lại. Thời điểm đó, ngôi trường của tôi được xem như cánh cửa thứ hai cho những ai lỡ không may thi trượt ĐH công lập. 

Khóa đầu tiên của trường đón nhận nhiều sinh viên giỏi, thiếu 1, 2 điểm vào những trường ĐH danh tiếng lúc bấy giờ như Bách Khoa, Sư phạm… Họ được dạy cách "đứng lên ngay chính nơi mà mình gục ngã, để từ đó vươn tới thành công".

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 15

Đến bây giờ, sau 35 năm, khi có mặt tại Đại học Thăng Long, chúng tôi vẫn được nghe nhiều giai thoại về bà, như chuyện vừa là hiệu trưởng kiêm luôn lao công. Có bao nhiêu phần trăm xác tín trong những giai thoại này, thưa bà?

- Chuyện đó là đúng. Và kể cả câu chuyện trường tôi lấy học phí 10 cân gạo.

Thời gian đầu, trường hoạt động dựa vào nguồn tài chính của tôi và khoản tiền quyên góp từ Pháp. Tôi phải cân đo đong đếm rất nhiều, nếu lấy học phí thấp quá thì không thể chi trả các khoản, mà cao quá thì không ai theo học. 

Tôi tính rằng, thời đó, sinh viên đỗ hệ A các trường công lập thì được miễn học phí, hệ B thì phải trả học phí tương đương 9 cân gạo. Vậy, trường của tôi lấy học phí 10 cân gạo, để không quá chênh lệch.

Câu hỏi đặt ra là học phí tương đương 10 cân gạo có cao quá với người dân hay không? 

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 17

Tôi lại làm một phép tính khác. Nhà tôi được cấp 13 cân gạo thì chỉ ăn hết 8 cân, còn thừa phiếu 5 cân gạo, có thể đem đi đổi ở chợ đen phục vụ nhu cầu sinh hoạt khác. Vậy trong một gia đình, cứ hai người thì mỗi tháng thừa 10 cân gạo, bán đi là đủ đóng học phí cho con em mình. 

Từ khoản học phí, tôi đã quy tụ những giáo sư đầu ngành để cùng thực hiện ước mơ của mình, trả cho họ 5 USD/giờ, so với các trường khác lúc bấy giờ là ở mức cao. 

Tuy nhiên, sau 3 năm, những người bạn tại Pháp không còn đủ sức gồng gánh để viện trợ cho trường, tôi rơi vào đường cùng, là "một bài toán khó" mà chưa thể tìm ra cách giải ngay lập tức. Giai đoạn đó quá khó khăn.

Bà đã làm cách nào để ước mơ lớn nhất đời mình có thể tồn tại trong thời cuộc khó khăn khi đó? 

- Tôi tự huy động mọi nguồn tài chính của mình, đồng thời sang Pháp kêu gọi quyên góp. Đó là những ngày tôi lang thang khắp đường phố Paris, vừa đói vừa mệt, mặt mũi bơ phờ. Nhưng tôi không cho phép bản thân dừng lại, bởi "nếu đóng cửa trường học, sinh viên sẽ đi về đâu?". Tôi phải có trách nhiệm, mà phụ huynh cũng bắt tôi chịu trách nhiệm.

Sau khi giải quyết được vấn đề tài chính, tôi và trường học tiếp tục đối diện một vấn đề cũng cam go không kém, chính là địa điểm. Trường phải đi thuê và chuyển hàng chục nơi, "đếm không xuể", cứ 6 tháng đến một năm lại phải dọn đi. 

Ngôi trường nhỏ bé, lụp xụp ở trong những con ngõ, con hẻm mà hai người đi xe máy không vừa, khác xa với kỳ vọng của tôi về "ngôi trường mơ ước".

Có những ngày, không đủ trả tiền cho lao công, tôi đến trường từ 6 giờ sáng để quét lớp. Sinh viên trông thấy hiệu trưởng trong dáng hình lao công thì không nhịn được mà bật cười. Không quát mắng, tôi chỉ nghiêm khắc: "Các em cầm chổi, quét cùng tôi".

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 19

Đầu năm 1992, bà Bernadette Chodron Courcel, phu nhân Tổng thống Pháp J.Chirac, sang thăm trường. Trong đoàn ra đón phu nhân ở sân bay, tôi đi một đôi sandals được em gái tặng nhưng không lâu sau bị đứt quai trước. Một tay cầm dép, tôi bước đi khập khiễng, may sau đó tìm được một đôi dép lê đi tạm. 

Trước hôm bà Bernadette Chodron Courcel đến trường, cán bộ an ninh Việt Nam và Pháp tiến hành rà mìn, huy động đội ngũ an ninh và hộ tống đông đảo. 

Thú thực, tôi sợ bẽ mặt trước phu nhân tổng thống Pháp vì tình trạng tồi tàn của lớp học. Muỗi bay khắp nơi, nhà vệ sinh chỉ là khu vực được quây hàng rào gạch, cả nam lẫn nữ dùng chung. 

Khi đứng trên bục đọc diễn văn chào mừng, tôi chỉ sợ phu nhân đòi đi vệ sinh thì… không biết trả lời ra sao. May mắn, buổi gặp gỡ đã diễn ra thành công tốt đẹp, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

Bây giờ nghĩ lại, không hiểu sao ngày xưa tôi lại tự tin mở trường đến thế. Tôi sống được, chắc là nhờ tự tin. 

Hai năm sau khi lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có quy chế Đại học dân lập tạm thời và tôi mới được "cởi trói", tiếp tục kiên định với kế hoạch 100 năm. 

Trong cả cuộc đời làm giáo dục, điều bà tự hào nhất là gì? Mong muốn của bà đối với nền giáo dục Việt Nam?

- Ở tuổi 90 tuổi, dành trọn cả cuộc đời làm giáo dục, điều tự hào nhất, là trong 42 năm (1960 - 2002) công tác tại trường ĐH Sư Phạm, tôi đã xây dựng được chương trình chuyên môn cho từng giảng viên, để mỗi người có lộ trình riêng phát triển bản thân. 

Bây giờ, khi là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Thăng Long, thỉnh thoảng, tôi đến trường, tham dự các cuộc họp giao ban. 

Tại đây, tôi vẫn nói với mọi người, rằng chưa bao giờ hết lo lắng cho giáo dục Việt Nam. Bởi còn lo lắng, là tôi còn trăn trở, còn cố gắng, còn khát khao: "Một ngày nào đó, sinh viên Việt Nam sẽ được hưởng nền giáo dục tốt nhất, phát triển trọn vẹn tài năng của mình". 

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 21

Nội dung: Minh Nhân

Ảnh: Minh Đức, Nhân vật cung cấp

Thiết kế: Đỗ Diệp

08/03/2023

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nu-giao-su-toan-dau-tien-cua-viet-nam-ke-chuyen-dong-hoc-phi-bang-10kg-gao-20230307174112760.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nu-giao-su-toan-dau-tien-cua-viet-nam-ke-chuyen-dong-hoc-phi-bang-10kg-gao-20230307174112760.htm
Bài liên quan
Trường mất an toàn, học sinh phải đi học nhờ
Hàng trăm học sinh ở huyện Quan Hóa, Thanh Hóa phải đi học nhờ do tình trạng sạt lở phía sau trường...

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc sống tuổi 90 của nữ giáo sư toán học đầu tiên Việt Nam