Đến cuối phần tranh luận, ông Chung bất ngờ nhận trách nhiệm là người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội, nói "đã nhận thức được trách nhiệm trong việc chỉ đạo thử nghiệm, mua bán chế phẩm Redoxy-3C".
Hội đồng xét xử cho biết gia đình ông Chung đã nộp thêm 15 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Ở giai đoạn sơ thẩm, gia đình ông Chung đã nộp 10 tỉ.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Trường Giang cũng đã nộp hết 7,1 tỉ đồng khắc phục hậu quả, bị cáo Võ Tiến Hùng đã nộp 4 tỉ đồng khắc phục toàn bộ hậu quả.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng các bị cáo Chung, Giang, Hùng đã nhận thức được trách nhiệm của mình và khắc phục toàn bộ hậu quả. Do đó, viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho cả 3 bị cáo.
Trước đó, tại phần luận tội và đề nghị mức án, viện kiểm sát đề nghị tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Chung, cho rằng tòa sơ thẩm kết tội "đúng pháp luật, không oan".
Theo bản án, năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp để xử lý ô nhiễm nước hồ.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung với chức năng, nhiệm vụ là chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Cộng hòa Liên bang Đức), tổ chức đoàn tham quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại thành phố.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm Redoxy-3C, thông qua Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic (do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc). Đây là công ty gia đình của bị cáo Nguyễn Đức Chung, với động cơ vụ lợi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, với tổng giá trị thiệt hại hơn 36 tỉ đồng.