Cá chết hàng loạt ở hồ Tây do ô nhiễm khiến TP Hà Nội phải mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý - Ảnh: IT
Một trong những luận điểm mới được ông Chung đưa ra là quá trình mua chế phẩm trên "không gây thất thoát tài sản nhà nước".
Theo đó, 4 quyết định đặt hàng của Công ty Thoát nước về việc cung ứng dịch vụ xử lý ô nhiễm nước hồ, duy trì chất lượng nước cho UBND thành phố Hà Nội được ký có tổng số tiền hơn 308 tỉ, với 9 huyện là hơn 3 tỉ. Trong khi đó tổng số tiền mua Redoxy-3C là hơn 167 tỉ.
Theo ông Chung, lấy số tiền dự toán trừ đi số tiền đã mua chế phẩm thì Công ty Thoát nước còn lại "khoản lợi nhuận" hơn 144 tỉ.
"Toàn bộ số tiền lợi nhuận này vào Công ty Thoát nước vẫn là công ty 100% vốn sở hữu của thành phố nên không có chuyện thất thoát tài sản", ông Chung khẳng định trong bản giải trình.
Ngoài ra ông Chung còn cho rằng Công ty Arktic (bị cáo buộc là "công ty gia đình" ông Chung) đã đàm phán được với công ty của Đức để giảm giá mua chế phẩm. Từ đó giá bán cho Công ty Thoát nước cũng được giảm nên đơn vị này "được lợi 50 tỉ" vì được mua chế phẩm với giá thấp.
Cựu chủ tịch Hà Nội cũng phủ nhận các cáo buộc từ cơ quan tố tụng cho rằng Arktic là "công ty gia đình" của ông.
Trước đó, đầu tháng 12-2021, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp với bản án trước, ông Chung bị phạt 13 năm tù.