Đam mê ca hát, cô giáo lập 2 câu lạc bộ văn hoá

Đăng Khoa | 28/05/2022, 06:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đến huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết thành lập 2 câu lạc bộ.

Cô và trò trong CLB Hát then đàn tính Thượng Hà.Cô và trò trong CLB Hát then đàn tính Thượng Hà.

Cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Khuôn Hà đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Then - đàn tính Thượng Hà và CLB Mỹ thuật Hà Lâm. Cả hai CLB này đang hoạt động rất tích cực, góp phần để các em học sinh thêm yêu văn hóa dân tộc, đồng thời nhen lên những ước mơ ở vùng đất Lâm Bình xinh đẹp.

Khởi nguồn đam mê ca hát

Là du khách đến với huyện Lâm Bình, chúng tôi vô cùng thích thú khi thấy trong các bữa ăn ở homestay có các em nhỏ mặc trang phục dân tộc thiểu số và cùng hát lên điệu hát then, tấu lên khúc đàn tính của dân tộc mình.

Nhiều du khách rất hào hứng với các tiết mục này, bởi cuộc sống hiện đại đi du lịch đâu chỉ ăn các món ăn lạ mà còn là thưởng thức các “món ăn tinh thần” đặc sản của vùng đất đó. Lân la tìm hiểu thì tôi được biết các em sinh hoạt trong CLB hát Then - đàn tính Thượng Hà do cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết làm Chủ nhiệm.

Đối diện với tôi, chị Tuyết là người hoạt bát, thân thiện, dễ gần. Chị kể, năm 2017, khi được giao Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Khuôn Hà, chị đã thành lập CLB khiêu vũ và thường xuyên đăng tải video cô trò nhảy múa lên trang Facebook. Tình cờ một người chủ homestay tại địa phương xem được liền mời cô trò đến biểu diễn 2 tiết mục múa hiện đại.

Có dịp quan sát một chương trình văn nghệ đầy đủ, chị cảm thấy “chưa đã”, trong khi du khách lại không hào hứng theo dõi. Chị tìm hiểu và được biết, du khách đến với Lâm Bình thích được tìm hiểu bản sắc văn hóa của địa phương. Khi nêu ra quan điểm của mình với chủ homestay, chị đã được tin tưởng giao thực hiện các chương trình văn nghệ.

Muốn thực hiện được các chương trình văn nghệ thì việc gấp rút đầu tiên là phải đào tạo, bồi dưỡng các em thành thạo các tiết mục múa, hát của quê hương. Nghĩ vậy, chị Tuyết tiếp tục thành lập CLB hát Then - đàn tính Thượng Hà với thành phần mở rộng hơn. Do là cô giáo mỹ thuật, lại không biết đánh đàn tính, hát then, lại càng không phải là người dân tộc thiểu số nên chị đã đứng ra mời một số nghệ nhân tại địa phương đến dạy cho các em.

Rồi từ một thành viên hát được cọi, then cổ thì đến hiện tại đã có nhiều em nhỏ có thể tự đánh đàn và hát những bài then, cọi ý nghĩa, như: “Bản noọng tỏn xuân”, “Mời trầu”, “Đường về Lâm Bình”, “Phượng hoàng tung cánh”, “Ơn thầy ơn cô”, “Ơn Đảng”, “Thượng Lâm quê noọng”, “Quê em đổi mới”, “Ơn Đảng Bác Hồ”… Hơn thế nữa, các em còn có thể làm chủ sân khấu, tổ chức các hoạt động đi kèm thành thạo, chuyên nghiệp.

Ca sĩ Tùng Dương và ca sĩ nổi tiếng người Mỹ Kyo cùng các em nhỏ trong CLB Hát then đàn tính Thượng Hà.

Nhận thấy đó là “sân chơi” bổ ích, nhiều phụ huynh đã gửi con đến sinh hoạt vì thế từ 12 thành viên ban đầu đến nay CLB đã có gần 40 em. CLB đã không chỉ biểu diễn trên địa bàn huyện Lâm Bình mà còn tại thành phố Tuyên Quang và khu vực phố đi bộ ở Hà Nội.

Cô trò đã mang tiếng đàn, tiếng hát đi thi ở nhiều liên hoan, hội diễn. Thành tích tốt nhất là giành giải Xuất sắc toàn đoàn tại Liên hoan hát Then - đàn tính tỉnh Tuyên Quang, năm 2020 với hai bài hát then “Cung bướm lượn tháng ba” và “Đường về Lâm Bình”.

Em Ma Thị Hồng Chiêm (dân tộc Tày, học lớp 8 Trường THCS Khuôn Hà) có lẽ là thành viên đa tài nhất trong CLB, khi vừa hát hay lại đàn giỏi. Chiêm được nghe đàn, hát từ khi học lớp 3 khi em còn chưa biết đó gọi là đàn tính, hát then.

Những âm thanh rộn ràng trầm bổng đã khơi dậy trong tình yêu mãnh liệt trong Chiêm với giá trị dân tộc và mong muốn quảng bá với du khách. Còn em Bế Hoàng Linh (dân tộc Tày, học sinh lớp 10, Trường THCS - THPT Thượng Lâm) tuy mới tham gia CLB được vài tháng nhưng đã cảm nhận được sự thay đổi rất lớn từ bản thân.

Từ một cô bé nóng nảy, cứng đầu, Linh đã biết tiết chế lại, điềm tĩnh hơn, biết lắng nghe để trở thành cô bé năng động, chững chạc hơn. Hiện nay Linh cũng đã hát, múa được khoảng chục bài, trong đó có các điệu múa dân tộc, như: Múa nón, múa bát, múa mẹt, múa Pà Thẻn…

Thường thì quy định mỗi show sẽ có khoảng 4 - 5 tiết mục nhưng chị Tuyết thường tổ chức diễn đến 8 - 9 tiết mục, trong khoảng 1,5 giờ. Trong chương trình thiết kế trung bình từ 60-65% tiết mục múa, hát truyền thống còn lại là múa, hát hiện đại. Thông thường mỗi buổi biểu diễn sẽ có 15 em tham gia, cả đội nhận được khoảng 8 trăm nghìn đồng, trừ chi phí mỗi em nhận về từ 30 đến 40 nghìn đồng.

Tuy nhiên, chị và các bậc phụ huynh muốn giữ cho các con sự trong sáng như đúng lứa tuổi của mình để hạn chế tình trạng “vòi” khách nên đã thống nhất là không để các bạn nhỏ biết về thù lao biểu diễn.

“Thực ra số tiền công đó không bõ tiền xăng và công sức bố mẹ phải bỏ công, bỏ việc chở các em đến điểm diễn. Nhưng cái cốt yếu là rèn cho trẻ được sự mạnh dạn, tự tin trước đám đông cũng như có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”, chị Tuyết khẳng định.

Dù đã đạt được kết quả nhất định nhưng chị Tuyết không dừng lại. Chị muốn các em tìm hiểu sâu hơn về nguồn cội từ trang phục đến món ăn và các sự tích từng câu chuyện về cây, ngọn núi để các em thêm yêu hơn về mảnh đất nơi mình sinh ra.

Bởi thế chị đã mở lớp hướng dẫn viên du lịch miễn phí những mong mỗi em nhỏ sẽ trở thành những “hướng dẫn viên du lịch nhí”. Trong thời gian tới chị muốn mang tiếng đàn tính, hát then lên hồ sinh thái Lâm Bình - Na Hang để khi du khách trải nghiệm lòng hồ sẽ hiểu hơn về đất và người Lâm Bình.

Hồi đầu năm khi chúng tôi đến, CLB đang gấp rút tập luyện bài “Lâm Bình mùa xuân về” của nhạc sĩ Nguyễn Nha Cao (thơ Nguyễn Thị Mai): “Mình có đi cùng ta, lên Lâm Bình mùa hoa/ Xuân về đang rực rỡ, khắp núi rừng bao la/ Bản Tày đang vào xuân, giọt đàn tính trong ngần/ Điệu hát then tha thiết, Thượng Lâm mời dừng chân…”.

Đó là “món quà” ấm áp nghĩa tình mà đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội trong chuyến du lịch đến Lâm Bình gửi tặng bà con nơi đây. Chị Tuyết hào hứng bảo, sẽ cho các em nhanh chóng tập luyện để phục vụ trong các chương trình văn nghệ của huyện cũng như phục vụ du khách đến với homestay.

Nơi hội tụ những “họa sĩ nhí”

Các em nhỏ trong CLB Mỹ thuật Hà Lâm say sưa với những tác phẩm của mình.

Chia sẻ về việc thành lập CLB Mỹ thuật Hà Lâm, chị Tuyết cho biết, mỗi tiết học vẽ chính khóa ở trên lớp, các em chỉ được vẽ từ 30 phút đến 45 phút. Thời gian đó không đủ để các em thoải mái vẽ ra những điều mình muốn. Xuất phát từ điều đó và cũng là giáo viên chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật, chị Tuyết đã thành lập CLB.

“CLB không chỉ là không gian, ngôi nhà tập hợp các em nhỏ có niềm đam mê vẽ tranh ở xã Khuôn Hà mà còn cả ở xã Thượng Lâm trên địa bàn huyện Lâm Bình. Tôi trực tiếp tham gia vẽ và dạy vẽ miễn phí cho các em trên nhiều chất liệu như lá cây, giấy, đá cuội, đồ dùng phế thải và cả trên chất liệu khó như acrylic.

Tôi quan niệm: Chẳng cần có năng khiếu, chỉ cần có niềm đam mê là có thể làm được, bởi thế CLB đã thu hút đông đảo các em thiếu nhi ở hai xã Khuôn Hà, Thượng Lâm tham gia. Hiện nay, CLB có khoảng 70 em ở cả hai cấp Tiểu học và THCS của Khuôn Hà, Thượng Lâm tham gia”, chị Tuyết thông tin.

Đối với những “họa sĩ nhí” khi tham gia CLB Mỹ thuật Hà Lâm, vẽ không chỉ để thỏa niềm đam mê mà các em còn ước mơ đưa những tác phẩm của mình đi xa, đưa hình ảnh mảnh đất và con người Lâm Bình đến với đông đảo du khách trong nước cũng như quốc tế. Bởi vậy các em đã tích cực tham gia và giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi vẽ tranh trong nước và cuộc thi vẽ tranh do Tập đoàn Kao và Tổ chức PCRF tổ chức.

Từ năm 2017 đến năm 2021, CLB đã giành được 3 giải C Cuộc thi vẽ tranh toàn quốc về chủ đề an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; giành 14 giải Cuộc thi vẽ về bảo vệ môi trường do Tập đoàn Kao và Tổ chức PCRF tổ chức. Trong đó có 1 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi vẽ tranh quốc tế do Tổ chức PCRF tổ chức.

Nhằm giúp các em học sinh có nhiều cơ hội để vẽ, trải nghiệm thực tế, hằng năm, chị Tuyết tổ chức tại nhà trường từ 3 đến 4 cuộc triển lãm tranh ngoài trời. Tuy tận dụng những bức tường rộng trong sân trường để làm nơi trưng bày tranh vẽ song đây là dịp để các em sớm được trải nghiệm cảm xúc thế nào là một cuộc triển lãm tranh.

Cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết hướng dẫn các em trong CLB vẽ tranh.

Không chỉ có vậy, chị Tuyết thường tổ chức cho các thành viên trong CLB đến một số những địa điểm có cảnh đẹp của Lâm Bình để vẽ. Không chỉ vẽ trên giấy vẽ thông thường, những “họa sĩ nhí” trong CLB còn vẽ và trang trí được trên các vật dụng như ghế đá, bức tường, vật liệu phế thải. Từ một chiếc ống nhựa dùng để cuốn vải, các em tận dụng để trang trí và biến nó trở thành một chiếc bình hoa xinh xắn.

Đến nay, nhiều tác phẩm của các em như tranh vẽ, bình hoa trang trí được trưng bày tại một số homestay, gian hàng giới thiệu sản phẩm của huyện. Đặc biệt, trong Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Lâm Bình vừa qua, CLB đã tổ chức được cuộc triển lãm tranh của các em thiếu nhi ngay tại đường phố và trưng bày tại gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của huyện.

Có thể nói hai CLB Hát then đàn tính Thượng Hà và CLB Mỹ thuật Hà Lâm đã và đang góp phần nhen lên ước mơ trong các em nhỏ ở vùng đất Lâm Bình xinh đẹp, mến khách và còn ẩn chứa biết bao điều thú vị.

Thông qua lời ca tiếng hát và các bức vẽ, các em đã thể hiện được nỗi lòng, tình yêu và trách nhiệm của bản thân với quê hương. Thiết nghĩ đó là cách giáo dục truyền thống hết sức hiệu quả và thiết thực trong bối cảnh mà ở đâu đó giá trị văn hóa dân tộc đang bị bỏ ngỏ…

Bài liên quan
Axit ăn mòn văn hóa
Nghệ sĩ là một danh xưng đầy kiêu hãnh, với năng lực sáng tạo tuyệt vời, họ góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đam mê ca hát, cô giáo lập 2 câu lạc bộ văn hoá