Nền giáo dục phải chuyển mình từ việc đánh giá “những gì chúng ta biết” sang “cách chúng ta định hình và kiến tạo tri thức”.
PGS.TS.Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Việc một thí sinh sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gian lận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là chưa từng có tiền lệ ởViệt Nam. Hiện tượng này đánh dấu một bước ngoặt mới đầy thách thức trong quản lý thi cử trong kỷ nguyên AI, những băn khoăn về tính liêm chính, công bằng trong đánh giá học tập cũng như những quan ngại về thành tích và giá trị của bằng cấp.
Việc này cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm lại về triết lý giáo dục nói chung và cách đánh giá năng lực người học trong kỷ nguyên AI nói riêng.
Chia sẻ về cách đánh giá năng lực người học, PGS.TS.Trần Thành Nam cho rằng, nền giáo dục của chúng ta phải chuyển mình từ việc đánh giá “những gì chúng ta biết” sang “cách chúng ta định hình và kiến tạo tri thức”.
Trong kỷ nguyên AI, trí thông minh không còn đo bằng việc học thuộc hay ghi nhớ, mà là ở khả năng tương tác sáng tạo với tri thức nền, hiểu cách vận hành tư duy máy, và tích hợp công nghệ như một “bộ khuếch đại tư duy”.
Bởi vậy, theo PGS.TS.Trần Thành Nam, kiểm tra đánh giá hiện nay cần phải dựa theo tiêu chí mới về đánh giá năng lực: Mô hình ROE
Trong đó, R - Reframe intelligence: Định hình lại trí thông minh không chỉ là IQ hay điểm số mà là khả năng thích ứng, sáng tạo và tư duy chiến lược.
O - Own the process: Làm chủ quá trình học, từ mục tiêu đến phương pháp và đánh giá.
E - Effort vs Strategy: Nỗ lực không chỉ là “chăm chỉ”, mà là khả năng chọn đúng chiến lược và cộng tác hiệu quả với AI để tư duy sâu hơn.
Cùng với đó, việc dạy và học cũng cần chuyển đổi theo hướng sư phạm tự quyết Heutagogy để phù hợp hơn với bối cảnh số, cụ thể:
Người học giữ vai trò chủ động hoàn toàn trong quá trình học: Đặt mục tiêu cá nhân, lựa chọn cách học, tự đánh giá sự tiến bộ (learner agency).
AI trở thành “đối tác học tập” chứ không chỉ là công cụ. Các chatbot thông minh, trợ lý học tập ảo hay hệ thống phản hồi tự động có thể giúp học sinh tự học theo nhịp độ cá nhân; nhận phản hồi tức thì về tư duy; kết nối toàn cầu để xây dựng môi trường học tập cộng tác.
“Đây chính là con đường để hình thành năng lực quan trọng nhất của thế kỷ 21: Tự học, tự quản lý, và tự điều chỉnh học tập”, PGS.TS.Trần Thành Nam cho hay.