Trong đó có 1 vị đỗ đại khoa, 315 vị đỗ trung khoa. Đó là chưa kể hàng trăm người khác có học vấn uyên thâm, giỏi văn chương chữ nghĩa, làm thầy thuốc, thầy đồ không tham gia nghiệp lều chõng.
Ông Liễn cho rằng, tên làng Nho Lâm có nhiều cách hiểu nhưng hiểu nôm na là “rừng chữ nho”, hoặc “rừng nhà nho”. “Làng Nho Lâm có nhiều người đỗ đạt do sớm được tiếp cận hai nền văn hóa - văn hóa dân gian và văn hóa bác học.
Sự học ở Nho Lâm xưa gắn với công cuộc khuyến học - có học điền (ruộng học). Nhà nào có con em đỗ đạt sẽ được ưu tiên các mẫu ruộng tốt như mẫu đại khoa, trung khoa. Làng còn dành 9 mẫu công điền loại tốt nhất để lấy lợi thức tế thánh Khổng”, nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Liễn chia sẻ.
Một số quan niệm dân gian ở Nho Lâm lại cho rằng, làng có nhiều người đỗ đạt bởi tụ linh khí ở Rú Ta. Rú Ta chính là núi Mã Yên, phía Tây có làng Bút Điền (thuộc xã Diễn Cát), lại ăn vào dãy ngàn Đại Vạc và nhìn ra lèn Hai Vai.
Quanh Rú Ta có ba cái giếng: Giếng Ráng, giếng Chùa và giếng Nhậu. Đặc biệt giếng Nhậu không bao giờ hết nước, và còn có tên là Nhũ Tuyền (Nhũ Tỉnh) - tức là sữa rồng.
Ở phía Bắc Rú Ta có đền thờ Đức thánh đệ nhị với huyền tích ông lão ở Sơn Đầu (thuộc Nho Lâm) làm nghề đơm tôm ở rào Anh Kiệt (dưới chân núi Mã Yên). Một buổi sáng ông ra thăm đó thì thấy một cây gỗ trầm ở đâu trôi đến, có mùi rất thơm.
Trên thân cây gỗ có dòng chữ Hán: “Ngã nãi thượng đế chi tử. Quá thử kiến nhữ sơn kỳ thủy trí, ái nhi lập chi, nhữ đẳng đăng lập từ phụng ngã”. Nghĩa là: “Ta là con của thượng đế, qua đây thấy cảnh núi sông tươi đẹp của các người, yêu mến mà dừng lại. Các người nên lập đền thờ ta”.
Ông già cho là mình đã có phúc lớn gặp được thần linh. Tuân theo lời thần, khiêng đá xây một bàn thờ trên bờ kênh, thần rất linh thiêng cầu gì được nấy. Sau này, dân trong làng lập đền thờ trên núi để thờ tự nghiêm cẩn, gọi là đền Trầm Hương.
Nhà vua (không rõ thời nào) có sắc phong “Thái sơn uy linh, hiền đức cương nghị, chư tôn mĩ tự, thượng đẳng tôn thần”. Còn bến sông nơi có cây gỗ ứng báo cũng được gọi là bến Trầm Hương.
Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy mất năm 1936. Nhiều nhà nho nổi tiếng, như Phan Bội Châu đã đến phúng điếu. Huỳnh Thúc Kháng - bạn đồng niên có câu đối: Đương niên đồng thí Đường cung, nhất khúc nghê thường, thiên thượng chúng tiên suy tuyết xướng/ Tha nhật hậu thông Chu đạo, tam trùng trữ dịch, quốc trung hoàng cẩu thiếu tư nhân (Đường cung thuở ấy cùng thi, một khúc nghê thường, tiên nữ trên trời suy tôn tuyết xướng/ Chu đạo ngày nào thông hảo, ba tầng trạm dịch, người già trong nước ít kẻ bằng ông).
Trong các nhà khoa bảng Nho Lâm, nổi tiếng nhất là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy - được dân yêu mến gọi là “cụ Hoàng”. Ông sinh năm 1858, có cha là ông đồ từng thi đỗ Tú tài.
Lúc nhỏ, Đặng Văn Thụy học với cha. Khoa thi Hương năm 1878 ông cùng cha đi thi (cùng Cao Xuân Dục), ông trượt, còn cha ông đỗ Tú tài và Cao Xuân Dục đỗ Cử nhân.
Cao Xuân Dục cảm mến tài năng của Đặng Văn Thụy nên đã giúp ông ăn học và gả con gái là bà Cao Thị Bích. Chuyện tình của Đặng Văn Thụy cũng đã thành giai thoại “Thượng thư kén rể”, rằng Thụy ăn khỏe khác thường khiến cả nhà Cao Xuân Dục khiếp vía.
Người nhà cho rằng, Đặng Văn Thụy vai u thịt bắp (vốn làm nghề rèn) khó thành việc lớn. Ngược lại, Cao Xuân Dục lại quả quyết “người không bình thường mới làm được những việc khác thường”.
Khoa thi Hương 1882, Đặng Văn Thụy đỗ Cử nhân, được bổ làm Huấn đạo Nông Cống (Thanh Hóa) rồi Giáo thụ phủ Diễn Châu. Khoa thi năm 1904, ông đỗ Đình nguyên Hoàng giáp, cùng khoa thi với Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Ông được vời về triều nhậm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, sung Tư thư cục. Năm 1908, ông được thăng chức Tế tửu Quốc Tử Giám.
Làng Nho Lâm bên dòng sông Sắt |
Đặng Văn Thụy là một nhà Nho uyên thâm, được thầy là Thám hoa Nguyễn Đức Đạt đánh giá cao. Huỳnh Thúc Kháng cũng ca ngợi ông: “Thanh trường vạn quyển ủng tha nga” (Trong bụng có hàng vạn cuốn sách, thật là lớn lao).
Hoàng giáp Đặng Văn Thụy có với bà Cao Thị Bích đến 11 người con (7 trai, 4 gái). Trong đó, nổi tiếng có Phó bảng Đặng Văn - Thị lang Công bộ, Tham tri Hình bộ, Phó bảng Đặng Văn Oánh - Giáo thụ An Nhân.
Ông cũng để lại 11 đầu sách quý, trong đó 4 cuốn viết về giáo dục học. Một số tác phẩm có thể kể đến, như: Nho lão cuồng ngâm, Mộng Long tuyết mộng sử, Mã sơn văn thảo, Quốc Tử Giám hương ca, Nữ học diễn ca, Bát phản ca, Gia huấn ca…