Lần giở lịch sử để tìm hiểu về người khai khoa của làng - Tiến sĩ Dương Như Châu, được rõ ông sinh năm 1448, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Trong khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận 7 (1466) đời Lê Thánh Tông, ông thi đỗ Hoàng giáp khi vừa tròn 18 tuổi và làm quan đến chức Chi chế cáo.
Đề thi Đình năm ấy, vua hỏi về vấn đề bang giao giữa hai nước Việt - Trung. Đây là một đề thi hiếm có trong lịch sử khoa cử nước nhà. Với đề thi này, Dương Như Châu dâng kế: “Bề tôi không dám dâng kế cùng binh độc vũ, cậy vào quân lính để đánh nhau hoài, cũng không dám dâng kế sách buông lơi việc võ mà chú trọng việc văn. Chỉ mong sửa sang điều nhân, thực hành điều nghĩa, chọn người giỏi văn giỏi võ, trao trách nhiệm cho tướng soái răn bảo việc luyện tập quân sĩ, chăm việc võ bị.
Trong khi rành việc cày bừa không quên việc giảng duyệt (...) Như thế là đạt tới chỗ dùng văn, dùng võ đúng lúc có thể tiêu trừ họa loạn lúc chưa thành, giữ nền cực trị đến mãi mãi. Nước ta vững như bàn thạch, sáng như lửa hồng hễ giặc đụng đến đâu là nát tan, chạm đến đâu là thui cháy.
Điều lành về nhân chính nhờ vậy mà mở rộng mãi ra (...) Thế tất, quân sĩ đều vui vẻ ra lệnh, một người có thể địch trăm người, dựa vào đấy đã tiến là đánh, đã đánh là diệt. Tức thời bốn phương có thể yên ổn, còn có lo gì đến việc gây hấn ở biên thùy”.
Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hai vị Tiến sĩ đỗ khoa Ất Sửu niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505) đời vua Lê Uy Mục, gồm Nguyễn Tiếu Tượng - đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, làm quan với nhà Mạc đến chức Tả Thị lang bộ Lại, Nhập thị Kinh diên. Nguyễn Đình Lại đỗ Hội nguyên, Điện thí đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, ông là em Nguyễn Tiếu Tượng.
Đến khoa thi Ất Mùi niên hiệu Đại Chính thứ 6 (1535) đời Mạc Đăng Doanh có Dương Mậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Thị lang bộ Lại. Nguyễn Kinh Tế đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Nhà thơ Hoàng Cầm lưu thơ chúc thọ tại làng Lạc Thổ. |
Ngoài 7 vị Tiến sĩ được ghi danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám cũng như tại bia đá văn chỉ, làng Thổ còn nhiều người đỗ Cử nhân, Tú tài. Với truyền thống thi thư, sau này vua Tự Đức triều Nguyễn đã từng phong tặng Lạc Thổ bốn chữ “Mỹ tục khả phong” chứng tỏ một ngôi làng nhỏ nhưng mang tầm ảnh hưởng của cả vùng bờ Nam sông Đuống.
Tại Lạc Thổ năm xưa, có tướng quân họ Nguyễn Đức cùng thổ hào và dân vùng Bắc Ninh liên kết với quân Trịnh chống lại Nguyễn Hữu Chỉnh và xảy ra một trận đánh lớn ở Lạc Thổ - Đông Hồ.
Sử cũ ghi chép khá rõ về cuộc chiến giữa quân Nguyễn Hữu Chỉnh với liên quân của Trịnh Bồng và những người thuộc dòng họ Nguyễn Đức. Cuộc chiến ở đây diễn ra khá dài và rất quyết liệt.
Tuy cuối cùng lũy Đông Hồ cùng các xóm làng, trong đó có làng Lạc Thổ bị triệt hạ, nhưng trong cuộc chiến này, quân của Nguyễn Hữu Chỉnh cũng bị thiệt hại nặng nề.
Gia phả họ Dương ở Lạc Thổ chép rằng: Trong liên quân với chúa Trịnh, ở làng Lạc Thổ có hai người là Nguyễn Hữu Đắc và Khúc Đình Quý đã tổ chức đào hào, đắp lũy, chiến đấu chống quân Chỉnh. Trong trận chiến diễn ra vào ngày 3 tháng Giêng năm 1787, em của Nguyễn Hữu Chỉnh đã bị giết tại lũy Đông Hồ.
Làng Lạc Thổ chính là làng Hồ - nơi có nghề làm tranh dân gian nổi tiếng. |
Câu chuyện về người con gái họ Tá ở làng Lạc Thổ kết duyên cùng viên Quận công người Quế Ổ chính là Hội Quận công - vị tổ đời 12, chi Giáp của họ Nguyễn Đức. Một số nhà nghiên cứu, qua gia phả của dòng họ và đối chiếu với các nguồn tư liệu khác, đã xác định Hội Quận công là một võ quan có tiểu sử, hành trạng nửa cuối thế kỷ 18.
Không chỉ là làng khoa bảng, là nơi gắn với nhiều sự biến lịch sử - Lạc Thổ còn là nơi giữ nhiều mỹ tục và các lễ hội độc đáo, như hội thi gà Hồ, hội thi thả chim bồ câu. Trong đó, hội thi gà Hồ gắn liền với truyền thống tranh dân gian: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm).
Gà Hồ có vóc dáng cao to, mào kép, da cổ đỏ, cánh hình vỏ trai, vảy chân sáng mịn vàng trắng như hạt đậu nành, lưng vuông dài, đuôi đầy đặn và úp như hình nơm, dáng đi uy nghi oai vệ, tiếng gáy vang dội, thân mình chắc nịch...
Vì vậy, từ xưa gà Hồ đã được xem là biểu tượng cho người quân tử với 5 đức tính: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Sách “Dư địa chí Bắc Ninh” ghi: “Xã này thờ thần, lấy gà làm giống quý… con to nặng 12 đến 13 cân ta, con bé không dưới 8 đến 9 cân ta”.
Cuối tháng 2/2023, làng Lạc Thổ đã hoàn tất việc tái thiết Văn chỉ. Hệ thống Văn bia được làng coi như báu vật. Từ các Văn chỉ này đối chiếu với hệ thống Văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám, giới nghiên cứu khẳng định Lạc Thổ có 7 vị đại khoa, trên 50 người đỗ Cử nhân, Tú tài - xứng đáng là vùng đất học tiêu biểu của xứ Kinh Bắc xưa.