Văn hóa

Đất học Phất Nạo: Võ có Thượng tướng, văn hàng Thám hoa

PV 12/04/2025 16:43

Không chỉ là ngôi làng cổ ẩn giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc xứ Nghệ, Phất Nạo còn được biết đến là vùng đất học, làng khoa bảng...

Không chỉ là ngôi làng cổ ẩn giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc xứ Nghệ, Phất Nạo còn được biết đến là vùng đất học, làng khoa bảng với 3 vị tiến sĩ lừng lẫy.

Xã Thạch Bình thuộc thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh là vùng đất cổ văn hiến nổi tiếng của mảnh đất miền Trung. Nguyên có tên là Phất Nạo từ thế kỷ 15, sau mỗi biến thiên lại có nhiều tên gọi khác nhau, như: Phật Nạo, Phất Náo, Phất Não, Phất Nhiễu thuộc tổng Thượng Nhị, mãi đến năm 1947 mới thống nhất thành xã Phất Nạo.

Vị Tế tửu trung nghĩa, thà chết không chịu nhục

Theo tương truyền, Phất Nạo là đất thiêng, tụ linh tụ khí, dễ bề phát đường khoa danh chữ nghĩa. Đây cũng là vùng đất sản sinh nhiều nhà khoa bảng, chí sĩ yêu nước, là đất hội tụ của nhiều anh tài và anh hùng các thời. Hiện nay, Phất Nạo vẫn còn bảo lưu được một số di tích liên quan đến sự học và võ bị, là bằng chứng để chứng minh cho một vùng đất khoa danh lừng lẫy.

Trong đó có Thượng tướng quân Trần Danh Hùng xuất thân từ Thanh Hóa, sau đem gia đình di cư đến phủ Hà Hoa xứ Nghệ An vào khoảng giữa thế kỷ 15. Đến nay không còn tài liệu ghi rõ ông ra làm việc cho triều đình theo cách thi cử hay gia nhập quân đội, chỉ biết ông chọn nghiệp võ, trở thành một võ tướng nhà Lê.

Theo truyền ngôn của dòng họ, trong một trận chiến trên vùng biển Thanh Hóa, Trần Danh Hùng bị thương nặng và qua đời, thi thể không tìm được. Sau khi ông mất, triều đình thương tiếc, đã truy phong cho ông là Thượng tướng quân, cho lập đền thờ. Đền thờ có quy mô to lớn và đẹp nhất trong vùng với sự góp công sức của các quan viên địa phương, các nhà nho học và nhân dân trong vùng.

Ngôi đền thờ được dân địa phương quen gọi là đền Quan Thượng, tương truyền làm bằng gỗ lim, nằm giữa cánh đồng, quay mặt ra hướng sông. Do thời gian và biến đổi của thời tiết, hiện nay ngôi đền chỉ còn lại 2 cột nanh, phía trên còn lưu giữ một số câu đối chữ Hán.

Theo gia phả các dòng họ và tư liệu đăng khoa, người đầu tiên khai khoa cho Phất Nạo là Tiến sĩ Trần Viết Thứ. Không chỉ là một nhà khoa bảng danh tiếng đương thời, ông còn là một vị quan chính trực, nổi tiếng với câu nói: “Đã là trung thần thà chết không chịu nhục, đại trượng phu lẽ đâu lại thờ hai chúa”.

Nguồn gia phả cho biết, Trần Viết Thứ (1487 - 1556), thuở nhỏ nổi tiếng thần đồng, thông minh học giỏi. Khoa thi Tân Mùi (1511) đời vua Lê Tương Dực, ông tham gia ứng thí đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Theo văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này, tên của ông đứng thứ 14 trong số 35 vị tiến sĩ hàng Đệ tam giáp.

Gia phả có chép: Ông có lần được làm Thanh chiếu đi thanh tra các đạo, có ân có uy, được thăng Tế tửu Quốc Tử Giám. Sau vì có việc bị cách chức. Đến khi họ Mạc cướp ngôi, sai mời ông ra, ông không chịu khuất phục rồi tự tử. Ông có 5 người con trai, đều đỗ Hương cống, sau di cư sang huyện Kỳ Anh.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, mục “Nhân vật đời Lê” chép “Trần Viết Thứ làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Nhà Mạc cướp ngôi, sai người mời, Thứ không chịu khuất mà chết. Sau khi nhà Lê trung hưng, truy tặng Thượng thư”. Sống và làm quan trong một giai đoạn lịch sử hết sức phức tạp, thời kỳ nhà Lê suy vong, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, gây ra cuộc chiến xung đột đẫm máu giữa các phe phái. Đứng trước tình hình ấy, Tiến sĩ Trần Viết Thứ đã đem hết sức mình để phục vụ đất nước.

Sau khi triều Lê trung hưng, đã phong cho ông là “Công thần Tiết nghĩa”, cho dân được lập đền thờ, tôn làm Thành hoàng làng. Về sau, con cháu hậu duệ của Tiến sĩ Trần Viết Thứ di cư sang huyện khác và đổi họ sang Trần Đình. Vì vậy, hiện nay tại nhà thờ còn có câu đối để nhớ về quê hương nguồn cội: “Tự tích tiên khai tại Bạch Trì/ Phúc khánh trường lưu vu Phương Duệ”.

Tiến sĩ được phong Hoành Bắc đại vương

Vị đại khoa thứ 2 của làng Phất Nạo là Nguyễn Hoành Từ (1536 – 1599). Ông tên thật là Nguyễn Đình Thung, thuở nhỏ ở Lam Kinh (Thanh Hóa), sau theo gia đình vào sinh sống tại làng Phất Nạo, là cháu 5 đời của Cương Quốc công Nguyễn Xí.

Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất sớm không có con nối ngôi. Thái sư Trịnh Kiểm nhân cơ hội muốn giành ngôi vua nhà Lê. Một số quan quân, trong đó có Đô vệ hầu Nguyễn Đình Tùng bàn mưu chống lại việc ấy, việc bị chúa Trịnh phát giác và truy sát. Nguyễn Đình Tùng phải đưa vợ con chạy trốn vào làng Phất Nạo ẩn cư. Do đó, sau này con trai ông là Nguyễn Đình Thung phải đổi tên thành Nguyễn Hoành Từ để ra Bắc ứng thí.

Là con trai tướng quân Nguyễn Đình Tùng, từ nhỏ Nguyễn Hoành Từ đã được lo ăn học chu đáo, lại nổi tiếng thông minh, cần mẫn, sớm thi đỗ cử nhân và được vua Lê, chúa Trịnh trọng dụng. Năm 44 tuổi, khi đang làm quan triều vua Lê Thế Tông, ông xin nhà vua dự thi khoa Đinh Sửu (1577) niên hiệu Gia Thái thứ 5. Tại khoa thi này, Nguyễn Hoành Từ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này do Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận, Hàn lâm viện Đãi chế Nguyễn Đăng Cảo vâng sắc soạn, cho biết: “Năm Đinh Sửu đặt Chế khoa. Hoàng thượng đích thân xem xét, chọn hạng xuất sắc được 5 người. Trăm quan mặc triều phục chúc mừng, dân chúng bốn phương chụm đầu xem bảng, đều bảo bậc chân Nho xuất hiện thì thế đạo hanh thông”.

Sau khi thi đỗ, Tiến sĩ Nguyễn Hoành Từ được vua Lê phong chức Tả thị lang bộ Lại, sau lại thăng Thượng thư bộ Lại, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu. Là một vị quan tài cao học rộng, tính khí cương trực lại rất thanh liêm, ông không chỉ được nhà vua tin dùng, mà còn được cả triều đình nể trọng.

Nhiều kế sách của ông được áp dụng giúp triều đình nhà Lê đánh thắng nhà Mạc, giúp vua Lê Thế Tông được nhà Thanh công nhận là quân vương Đại Việt. Vì công lao đó mà khi cuối đời, ông được triều đình sắc phong làm Tiết Nghĩa quận công.

Năm 1599, Hoàng giáp Nguyễn Hoành Từ qua đời tại kinh đô Thăng Long, được triều đình cho một đoàn thuyền rồng 24 chiếc đi bằng đường thủy từ Thăng Long về bến đò neo làng Phất Nạo tổ chức mai táng. Vua Lê còn truy phong ông làm “Phúc thần, Hoành Bắc đại vương”, sai quan dân sở tại lập đền thờ theo chế độ “quốc tạo, quốc tế”. Đến triều nhà Nguyễn, Hoàng giáp Nguyễn Hoành Từ lại được sắc phong là “Dực bảo trung hưng, trung đẳng thần”.

Phần mộ của Đô vệ hầu Nguyễn Đình Tùng và Tiết Nghĩa quận công Nguyễn Hoành Từ được đặt cạnh nhau tại làng Phất Nạo. Nhà thờ hai cha con ông được con cháu và người dân nơi đây quanh năm phụng thờ, tổ chức lễ hội Ông Nghè 5 năm một lần.

dat-hoc-phat-nao-vo-co-thuong-tuong-van-co-tham-hoa-3.jpg
Nhà thờ Hoàng giáp Nguyễn Hoành Từ.

Vị Thám hoa nổi tiếng “đại bút hùng văn”

Vị đại khoa thứ ba là Đình nguyên Thám hoa Đặng Văn Kiều (1824 - 1881). Các tư liệu lịch sử cho biết, ông là cháu 10 đời của thủy tổ Đặng Đại. Thân sinh ông là Đặng Duy Thận, còn có tên là Thuần - là người có học nhưng chỉ làm phó lý. Sau khi con mình thành đạt thì ông được tặng hàm Phụng thành đại phu.

Gia phả ghi chép như sau, một lần ông Thận đưa dân phu đi đắp đường, đến chậm bị viên Tri phủ quát nạt và đánh mấy chục roi. Uất ức quá, ông quyết nuôi con ăn học, dặn bảo con phải rửa nhục. Lúc này ông Kiều con trưởng, đang thụ giáo với cụ đồ Lê Thức ở xã Vĩnh Lại. Ông Thận bán ruộng nương cố mời được vị thầy học nổi tiếng là Phan Nhật Tính ở xã Yên Đồng, huyện La Sơn, là Tiến sĩ khoa Nhâm Dần (1842) về dạy các con.

Vốn thông minh và chăm chỉ lại có thầy giỏi, việc học của Đặng Văn Kiều vượt trội hẳn lên. Khoa Quý Mão (1843) khi 19 tuổi, ông đi thi Hương lần đầu và đỗ Tú tài. Chính trong khoa thi này, ông đã được quan trường đổi tên từ Duy Kiệu thành Văn Kiều. Khoa sau vào năm Bính Ngọ (1846), ông lại đỗ Tú tài lần thứ hai. Đến khoa Nhâm Tý (1852) ông mới đỗ Cử nhân thứ 6 và xuất chính.

Khoa thi Nhã sĩ Ất Sửu (1865), niên hiệu Tự Đức thứ 18, ông thi đỗ Đệ nhất giáp Nhã sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa). Tương truyền, việc học hành, đỗ đạt của ông nhờ rất nhiều vào bà vợ cả là Trần Thị Thái - một người chăm chỉ, tần tảo vì chồng con. Chuyện xưa kể rằng, khi chưa về kinh dự thi, một đêm Đặng Văn Kiều mơ thấy mình thi đỗ Thám hoa, cờ quạt, võng lọng, vinh quy về làng.

Ngủ dậy ông có kể lại chuyện đó với vợ, nhưng bà không tin vì dù gia đình chồng có truyền thống thi thư nhưng nhiều đời chỉ đỗ đến tam tràng (sinh đồ). Sau đó Đặng Văn Kiều đi thi, đỗ Thám hoa, khi vinh quy về làng thì được tin người vợ bị bệnh ốm, vừa mất. Ông vô cùng đau đớn thương xót, khóc bà mà rằng: “Bà ơi, tôi đỗ Thám hoa thật rồi, tôi có nói dối về giấc mơ đâu, sao bà không chờ được?”.

dat-hoc-phat-nao-vo-co-thuong-tuong-van-co-tham-hoa-1.jpg
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1511) - ghi danh Tiến sĩ Trần Viết Thứ.

Sau khi thi đỗ, ngay trong năm ấy ông được thăng Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ, ra Án sát Quảng Bình. Tuy nhiên, Thám hoa Đặng Văn Kiều tự thấy mình làm chính chức không phù hợp, bèn tâu xin cải bổ sang giáo chức.

Năm Đinh Mão (1867) ông được cử đi làm Phó chủ khảo trường thi Thừa Thiên. Năm Canh Ngọ (1870), ông về kinh giữ chức Chưởng giáo tôn học đường - nơi chuyên dạy con cháu những người trong tôn thất.

Thám hoa Đặng Văn Kiều vốn nổi tiếng văn học và rất giỏi về lý số. Ông là người được đánh giá: “Đại bút hùng văn, nhất giáp thạch bi truyền quốc sử/ Hoành từ nhã sĩ, thiên thu kim bảng trấn gia thanh” (Tay đại bút hùng văn, nhất giáp bia đá truyền sử trước/ Bậc hoành từ nhã sĩ, nghìn thu bảng vàng rạng tiếng nhà).

Ngoài ra, vị Đình nguyên Thám hoa còn nổi tiếng về đức độ, nhân từ, thanh liêm, ông không chịu được khi phải hành hạ người và bị mua chuộc vì tiền. Gia phả chép rằng: Có lần khảo một tên trộm, ông sai lính đóng cửa lại, lấy roi đánh vào cây chuối, vì thương nó quá.

Tên trộm thấy vậy cảm động mà nhận tội, ông bèn tha cho. Có lần ông đang xử một vụ kiện, có người mang đến nhà biếu một rá gạo nếp, ông sinh nghi, sai người xem kỹ thì tận đáy rá có mấy nén bạc. Ông liền trả lại và cảnh cáo người đưa biếu là “dám khinh quan triều đình” rồi đuổi đi.

Ngoài số lương tiền ít ỏi chỉ đủ sống đạm bạc qua ngày, không có bổng lộc gì khác, nhiều lúc gặp khó khăn, Thám hoa Đặng Văn Kiều phải đưa cả bộ phẩm phục đi thế chấp vay nợ. Bà vợ kế thấy cảnh nhà luôn túng quẫn, thường phàn nàn. Ông chỉ cười và ngâm thơ: Nghĩ cuộc thanh liêm vua chúa trọng/ Hóa đường nghèo túng vợ con vân.

Năm Quý Dậu (1873), ông được bổ làm Toản tu Quốc sử quán, kiêm Biện lý bộ Lễ. Ông tham dự việc hợp soạn “Khâm định Việt sử”. Vào năm 1874 cả nước đang sôi sục phản đối việc triều đình Huế ký hòa ước Giáp Tuất nhường sáu tỉnh Nam kỳ cho Pháp. Cuộc khởi nghĩa “Cờ vàng” do Tú Tấn, Tú Mai ở Nghệ An; Đội Lựu, Tú Khanh ở Hà Tĩnh cầm đầu đánh hạ đạo thành Hà Tĩnh, làm chấn động triều đình Huế.

dat-hoc-phat-nao-vo-co-thuong-tuong-van-co-tham-hoa-5.jpg
Nhà thờ Thám hoa Đặng Văn Kiều tại làng Phất Nạo.

Theo truyền ngôn ở vùng Kỳ Anh thì Thám hoa Đặng Văn Kiều được nhà Nguyễn cử ra dẹp cuộc nổi dậy của Lân Biểu (một tướng cờ vàng dưới quyền Tú Khanh) đóng quân ở Hòa Hiệu. Nhưng Đặng Văn Kiều cáo ốm, không có mặt trong cuộc hành quân này.

Sau sự việc này, Đặng Văn Kiều trở lại kinh đô, giữ chức cũ. Ngày 14/7 năm Tân Tỵ (1881), ông mất tại nhiệm sở, được triều đình cấp 300 quan tiền tuất và đưa quan tài về quê nhà an táng. Thám hoa Đặng Văn Kiều có hai người con trai, khi ông mất thì cả hai còn nhỏ: Đặng Văn Bá lên tám và Đặng Văn Đàn lên bốn.

Về sau nối chí cha, hai người đều học hành thành đạt. Đặng Văn Đàn đỗ Tú tài khoa Quý Mão, do chân ấm sinh, được phong Hàn lâm cung phụng. Đặng Văn Bá đỗ Cử nhân thứ 6 khoa Canh Tý (1900), đồng niên với Giải nguyên Phan Bội Châu.

Ngoài 3 vị đại khoa, Phất Nạo còn những nhà khoa bảng tuy không đỗ cao nhưng cũng để lại những tiếng thơm, có nhiều công lao đối với đất nước. Trong đó, có nữ lưu yêu nước Bùi Thị Trang - con gái của Phó bảng Bùi Thố, vợ Cử nhân Nguyễn Cận; Cử nhân Đặng Văn Bá mở “Triêu Dương thương quán” để lấy tiền giúp đỡ thanh niên Đông Du; Cử nhân Nguyễn Cao Đôn không ra làm quan mà hưởng ứng chiếu Cần Vương, chiêu mộ nghĩa sĩ ngay tại quê nhà để chống Pháp.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dat-hoc-phat-nao-vo-co-thuong-tuong-van-hang-tham-hoa-post726646.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dat-hoc-phat-nao-vo-co-thuong-tuong-van-hang-tham-hoa-post726646.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất học Phất Nạo: Võ có Thượng tướng, văn hàng Thám hoa