Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi (35-55 tuổi) liên quan dến nhiễm virus HPV và nhóm người lớn tuổi (55-85 tuổi) mãn kinh lâu năm, liên quan đến những rối loạn biểu mô do viêm nhiễm mãn tính, xơ teo âm hộ. Những yếu tố nguy cơ gây ung thư âm hộ có thể kể đến như yếu tố nội tiết (phụ nữ chậm thấy kinh, sớm mãn kinh), thuốc lá và chế độ ăn, suy giảm miễn dịch, bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, người nhiễm virus HPV ở các khối u vùng âm hộ và cổ tử cung, virus VHS tuýp 2…
Ung thư âm hộ có xu hướng phát triển âm thầm theo thời gian, u có thể xâm lấn vào cấu trúc lân cận như âm đạo, niệu đạo, hậu môn, bàng quang, trực tràng..., di căn hạch bẹn hai bên, di căn theo đường máu, hạch bạch huyết, di căn xa đến gan, phổi, xương đe dọa tính mạng người bệnh.
Đáng lưu ý là đa số người bệnh đến khám khi ung thư đã tiến triển, lan rộng xâm lấn vào niệu đạo, bàng quang, vách âm đạo – trực tràng… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt, điều trị trở nên khó khăn hơn và gánh nặng chi phí điều trị kéo dài. Chính vì vậy, người bệnh cần phải đi khám sớm khi có các dấu hiệu nghi ngờ như:
- Ngứa âm hộ một thời gian dài, có thể liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, đặc biệt là khi da âm hộ có biểu hiện bất thường như thay đổi màu sắc, có mụn cóc hay loét không lành thì đó cũng là dấu hiệu của của bệnh ung thư âm đạo;
- Chảy máu âm đạo bất thường, không trong chu kì kinh nguyệt;
- Xuất hiện khối u, có thể sùi thành khối lớn vùng âm hộ;
- Tiết dịch âm đạo bất thường, có mùi khó chịu;
- Tiểu khó và đau rát;
- Đau tức vùng chậu…
Để phòng tránh ung thư âm hộ, phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ 3-6 tháng/lần, phụ nữ trước 26 tuổi hoặc trước khi bắt đầu quan hệ tình dục nên tiêm vắc-xin phòng ngừa vi rút HPV để tránh nguy cơ mắc ung thư phụ khoa; vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ, quan hệ tình dục an toàn.