Đến Bệnh viện khám, bệnh nhân T. cho biết, 2 tuần trước, anh thấy thỉnh thoảng đau bụng vùng hạ vị, đau quặn thành cơn, kèm theo đại tiện phân lúc táo, lúc lỏng, nhưng ở nhà vẫn chưa uống thuốc gì.
Cảnh giác khi xuất hiện đau quặn thành cơn.
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, bệnh nhân T. được chỉ định nội soi dạ dày, đại tràng. Trong quá trình nội soi đại tràng có những tổn thương sùi với kích thước chiếm gần hết lòng đại tràng, bề mặt nham nhở, mủn nát, chạm vào dễ chảy máu.
Sau khi nội soi sinh thiết 3 mảnh tại bờ khối sùi làm giải phẫu bệnh cho ra kết quả carcinoma tuyến biệt hóa mức độ vừa, bệnh nhân được chẩn đoán xác định là K đại tràng, sau đó được chuyển bệnh viện K điều trị.
Tương tự như bệnh nhân T, khoảng 1 tháng trước, ông N.V.H (nam, 62 tuổi, ở Hà Nội) thấy xuất hiện dấu hiệu lạ trên cơ thể gồm nuốt vướng, đau bụng vùng thượng vị, đau âm ỉ.
Thấy khó chịu như vậy, bệnh nhân tự mua thuốc uống nhưng không đỡ nên đến Bệnh viện khám. Với chẩn đoán sơ bộ theo dõi trào ngược dạ dày - thực quản, bác H được chỉ định thực hiện kỹ thuật "vàng" là nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng. Được chẩn đoán xác định K thực quản, bệnh nhân đang được điều trị theo phương pháp kết hợp hóa trị và xạ trị.
Chia sẻ về tình trạng người dân đi khám hiện nay, ThS.BSNT Lưu Tuấn Thành - Chuyên khoa Tiêu hóa cho biết, bệnh lý đường tiêu hóa rất hay gặp, gây nguy hiểm, nhưng do ở giai đoạn đầu bệnh không có triệu chứng rõ ràng, nên đa số người dân còn chủ quan.
Khi xuất hiện dấu hiệu đi khám, không ít trường hợp phát hiện mắc các bệnh lý nguy hiểm ở đường tiêu hóa như ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng... do đó hiệu quả điều trị thấp, làm giảm chất lượng sống và thời gian chữa trị của người bệnh. Nhưng nếu ung thư đường tiêu hóa được phát hiện sớm, tỷ lệ sống sống sau 5 năm lên tới 90%, phát hiện muộn tỷ lệ này chỉ khoảng 10%.
5 giai đoạn tiến triển của ung thư đường tiêu hóa
Minh chứng cho bệnh lý ung thư đường tiêu hóa diễn biến thầm lặng, kéo dài, BS Thành cho biết, ung thư đường tiêu hóa thường phát triển qua 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 0 (giai đoạn đầu): Các tế bào ung thư xuất hiện từ các đột biến gen, số lượng tế bào ung thư còn ít nên hầu hết không có triệu chứng và không thể phát hiện được.
- Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư đã thâm nhập nhưng vẫn ở lớp niêm mạc của đường tiêu hóa, chưa xâm lấn lớp cơ hay các cơ quan khác, giai đoạn này bệnh nhân hầu hết không có triệu chứng, nhưng nếu được tầm soát sớm thì có thể phát hiện và điều trị khỏi hoàn toàn.
- Giai đoạn 2: Khi chuyển qua giai đoạn 2, các tế bào ung thư đã di chuyển qua lớp niêm mạc và bắt đầu xuất hiện một vài biểu hiện rõ rệt hơn: đau bụng, buồn nôn...
- Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã bắt đầu lan rộng ra các cơ quan khác trong cơ thể.
- Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối của bệnh ung thư. Lúc này tế bào ung thư đã di căn khắp cơ thể và hầu như không còn cơ hội chữa trị.
Nội soi giúp phát hiện chính xác khối u kích thước xấp xỉ 1cm.
Trong mỗi giai đoạn của bệnh, nội soi có thể nhìn thấy được khi khối u có kích thước xấp xỉ 1cm, tương đương 30 lần nhân đôi và thường có giai đoạn phát triển rất lâu trước đó. Giai đoạn phát triển thầm lặng này thường kéo dài 15-20 năm, thậm chí có thể 40-50 năm.
Vì vậy, việc phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư sớm đường tiêu hóa là rất quan trọng, vì càng giai đoạn muộn thì tỷ lệ ung thư di căn cũng như tỷ lệ tử vong càng cao.
Các tổn thương tiền ung thư dạ dày như loạn sản dạ dày độ thấp thì tỷ lệ tiến triển thành ung thư dạ dày hàng năm là 0.6%, còn loạn sản dạ dày độ cao tỷ lệ tiến triển thành ung thư hàng năm lên tới 6%.
Đối với ung thư đại tràng, hầu hết đều tiến triển bắt đầu từ polyp đại tràng, thời gian để một polyp đại tràng tiến triển thành ung thư trung bình khoảng 5-10 năm. Polyp càng lớn, số lượng polyp càng nhiều thì nguy cơ tiến triển thành ung thư đại tràng càng cao.
Cách phòng tránh ung thư đường tiêu hóa
Để luôn an tâm đường tiêu hóa thông suốt, khỏe mạnh, bác sĩ lưu ý người dân nên thực hiện các cách phòng tránh như sau: kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp tầm soát sức khỏe tốt nhất; thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học như tăng cường rau xanh, trái cây; hạn chế ăn nhiều thịt, mỡ, đồ chế biến sẵn; tránh hút thuốc lá, rượu bia; tầm soát định kỳ mỗi năm/lần tại các cơ sở y tế uy tín.
Đi kiểm tra ngay nếu xuất hiện những dấu hiệu như: đau bụng kéo dài (đau âm ỉ ở trên rốn hoặc quanh rốn, đau âm ỉ kéo dài nhiều ngày không đỡ), nuốt nghẹn, nôn kéo dài hoặc nôn ra thức ăn cũ, đi ngoài phân táo hoặc phân lỏng kéo dài, đi ngoài phân có máu đỏ hoặc phân đen, sụt cân không chủ ý, gia đình có người thân bị ung thư đường tiêu hóa.