Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh BVCC
TS.BS Hồ Hữu An, Khoa Phẫu thuật Hậu môn, Trực tràng và Sàn chậu cho biết, khi kiểm tra ổ bụng thấy toàn bộ đại tràng giãn to đường kính vị trí lớn nhất khoảng 10cm, trong lòng đại tràng chưa nhiều phân táo, thành đại tràng viêm mạn tính tăng sinh mạch.
Khó khăn khi phẫu thuật cho bệnh nhân đó là do đại tràng giãn rất lớn chiếm toàn bộ ổ bụng; trong lòng đại tràng chứa nhiều phân, nguy cơ thủng đại tràng dẫn tới sốc nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt toàn bộ đại tràng. Phục hồi lưu thông tiêu hoá bằng miệng nối hồi – trực tràng. Sau 10 ngày hậu phẫu bệnh nhân khỏi ra viện không có biến chứng; tiêu hoá lưu thông tốt.
Làm gì khi bị táo bón nặng?
PGS.TS Triệu Triều Dương, Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, giãn đại tràng bẩm sinh hay còn gọi la bệnh Hirschprung là bệnh lý hiếm gặp ở người trưởng thành với tỉ lệ 1/2000 đến 1/5000, hay gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Bệnh lý giãn đại tràng bẩm sinh (bệnh Hirschsprung) là bệnh lý bẩm sinh của đường tiêu hóa do sự vắng mặt của phân bố hạch thần kinh tại đoạn ruột bệnh lý. Tình trạng này làm đại tràng của bệnh nhân không thể co bóp để tống phân ra ngoài dẫn đến ứ đọng, táo bón.
Bệnh Hirschsprung thường được phát hiện trong giai đoạn nhũ nhi nhưng đối với thể bệnh mà đoạn vô hạch thần kinh ngắn thì biểu hiện mơ hồ hơn gây chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt ở người trưởng thành thường bị bỏ sót chẩn đoán này do các bác sỹ lâm sàng nghĩ rằng bệnh lý này chỉ gặp ở trẻ em.
Các chuyên gia khuyến cáo, những bệnh nhân có tình trạng táo bón kéo dài nên đi khám đúng chuyên khoa tiêu hóa nhằm phát hiện nguyên nhân cũng có phương pháp điều trị tối ưu. Cần tránh tự ý điều trị có thể làm tình trạng táo bón nặng lên, gây khó khăn cho điều trị.
Một số phương pháp hiệu quả để phòng ngừa táo bón đó là uống đủ nước, ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ như bưởi, ngô, rau xanh cũng như tạo thói quen đại tiện hằng ngày.