Dâu tằm: 'Tiên dược' chữa nhiều loại bệnh

Phạm Hoa | 29/09/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Là loại cây rất quen thuộc với người Việt Nam, dâu tằm được nhiều người gọi là “tiên dược” bởi khả năng chữa bệnh rất hiệu quả.

Công dụng của cây dâu tằm

Ở nước ta, cây dâu tằm rất phổ biến. Tất cả các thành phần trên cây dâu đều được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Dâu là loại quả mọng nước, có vị chua ngọt thanh mát, ăn rất ngon miệng. Trong quả dâu có nhiều thành phần dưỡng chất có lợi cho sức khoẻ như đường, protein, acid hữu cơ, vitamin B1, vitamin C, carotene, chất chống oxy hoá, chất xơ…

Theo Đông y, quả dâu chín có tác dụng bổ huyết, bổ can thận, nhuận tràng, giải khát. Quả dâu có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá, giúp tim khoẻ mạnh, tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể, làm chậm quá trình lão hoá, phòng chống ung thư, xây dựng mô xương chắc khoẻ, tốt cho mắt.

Trong rễ dâu có thành phần giúp hạ huyết áp, trấn tĩnh tinh thần. Cao chiết với nước và methanol từ vỏ rễ dâu làm giảm mức đường huyết.

Lá dâu có tác dụng hạ huyết áp. Chế phẩm gồm lá dâu, lạc tiên, vông nem, lá sen, thảo quyết minh, hạt tơ hồng, hạt keo giậu, củ sâm đại hành lại giúp an thần, ngủ ngon giấc.

hinh-anh-cay-dau-tam-va-cach-su-dung-cay-dau-tam-sao-cho-hieu-qua.jpg
Dâu tằm được nhiều người gọi là “tiên dược” bởi khả năng chữa bệnh rất hiệu quả.

Cao nước của thân cây dâu có tác dụng ức chế các vi khuẩn gram dương và các men.

Những bài thuốc thông dụng từ cây dâu tằm

Tất cả thành phần trên cây dâu đều có thể bào chế thành thuốc chữa bệnh.

Rễ dâu có tên thuốc trong y học cổ truyền là tang KAHT bạch bì. Rễ dâu có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát. Hàng ngày, lấy 6 - 12g rễ dâu sắc thành nước để uống sẽ có tác dụng chữa ho, hen, thổ huyết, phù thũng.

Cành dâu (tang chi) có vị đắng, nhạt, tính bình. Hàng ngày, lấy 12 - 20g sắc dưới dạng nước hoặc cao pha rượu để uống có tác dụng chữa tê thấp, đau xương, sưng chân, mỏi gối, phù thũng.

Lá dâu (tang diệp) có vị ngọt, đắng, tính mát. Hàng ngày, lấy 6 - 12g sắc dưới dạng nước uống để chữa cảm, sốt, ho, viêm họng, đau mắt đỏ, chảy nước mắt, cao huyết áp.

Quả dâu (tang thầm) có vị ngọt, chua, tính ôn, chữa thiếu máu, ù tai, mắt mờ, kém ngủ, đau khớp, tràng nhạc, táo bón. Mỗi ngày dùng 12 - 20g quả tươi theo các cách sau:

Rửa sạch quả dâu, để ráo nước, cho vào lọ rộng miệng cùng với đường kính với tỷ lệ 1/1 (cứ một lớp dâu lại một lớp đường, rồi đậy kín). Sau 5 - 7 ngày sẽ được một thứ dịch màu đỏ, thơm gọi là sirô dâu. Ngày uống hai lần, mỗi lần 2 - 3 thìa cà phê dịch này pha với nước nguội.

Có thể pha dịch dâu với rượu 30° để thành rượu dâu. Uống siro dâu hay rượu dâu theo cách này có tác dụng nhuận tràng, giải khát.

Quả dâu tươi (1kg) nấu với nhiều lần nước, lọc sau mỗi lần nấu, rồi trộn các nước lọc lại, cô thành cao lỏng, thêm mật ong. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g. Hoặc ép lấy nước cốt dâu rồi cô thành cao mềm, ngày uống 6 - 9g. Uống nước cốt dâu theo cách này chữa gan, thận yếu, đau lưng, táo bón, chân tay tê bại ở người cao tuổi.

bai-thuoc-tu-qua-dau-tam-2030.jpg
Quả dâu tằm là vị thuốc được sử dụng nhiều

Hàng ngày, ăn 50 - 100g quả dâu chín, kết hợp lấy nước ép quả dâu pha loãng dùng chải tóc đều đặn để làm cho tóc đen.

Tầm gửi cây dâu (tang ký sinh) có vị đắng, tính bình, chữa đau lưng, đau mình, chân tay tê bại, đại tiện ra máu, tắc sữa, ho hen, động thai.

Liều dùng hàng ngày: 15 - 30g. Dược liệu được dùng riêng theo cách sau: Để tươi, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm nước, gạn lấy một bát uống chữa đau xóc hai bên hông. Nếu phơi khô, tán bột, mỗi ngày uống 4g với nước ấm chữa đại tiện ra máu, lưng gối nặng nề, yếu sức (Nam dược thần hiệu).

Tổ bọ ngựa (tang phiêu tiêu) có vị ngọt, mặn. Ngày uống hai lần, mỗi lần 30 viên với nước đun sôi để nguội.

Các bài thuốc phổ biến từ cây dâu

Chữa chân tay tê bại, tắc tia sữa: Tầm gửi cây dâu (30g), rễ ngưu tất (20g). Hai thứ thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày.

Chữa ho ra máu: Tầm gửi cây dâu (30g), thài lài tía (30g), rễ cây chuối hột (10g), rễ cỏ tranh (10g). Sắc uống ngày một thang.

Chữa động thai, đau bụng: Tầm gửi cây dâu (30g), lá ngải cứu (20g), cao ban long (20g, nướng cho thơm). Sắc uống trong ngày.

Chữa đái són, đau lưng: Tổ bọ ngựa cây dâu (30g), ba kích (30g), thạch hộc (20g), đỗ trọng (20g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, tán rây bột mịn, luyện với mật ong làm viên 6g. Ngày uống hai lần, mỗi lần 1 viên với ít rượu hâm nóng.

Hoặc tổ bọ ngựa cây dâu (10g), liên tu (10g), kim anh (10g), sơn dược (12g), sắc uống làm hai lần trong ngày.

Chữa đái dầm: Tổ bọ ngựa cây dâu (12g), đảng sâm (12g), phá cố chỉ (12g), ích trí nhân (8g), thỏ (8g), ba kích (8g). Sắc uống.

Dâu tằm thường xuất hiện vào cuối tháng 3 đầu tháng 4. Mùa dâu tằm chỉ chín rộ khoảng 3-4 tuần là hết. Chỉ uống nước siro quả dâu tằm hoặc ăn quả dâu tằm cũng có tác dụng cải thiện hệ thống miễn dịch, hạn chế được các bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường. Hãy tận dụng những hiệu quả bất ngờ của cây dâu tằm để bảo vệ sức khoẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dâu tằm: 'Tiên dược' chữa nhiều loại bệnh