Đến nay, trẻ em được tổ chức ăn bán trú và học 2 buổi/ngày đạt 100%. Số trẻ suy dinh dưỡng các thể thấp còi, nhẹ cân giảm dần qua các năm từ 0,5% - 1%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp cân trong trường chỉ ở mức dưới 20%.
Các nhà trường còn tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em 5 tuổi được chuẩn bị tốt tâm thế vào lớp 1, các kỹ năng giúp trẻ tự tin, hứng thú, tìm hiểu, khám phá và từng bước thích nghi với môi trường học tập tiểu học.
Tăng cường điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non 5 tuổi. |
UBND tỉnh Lào Cai đã có kế hoạch nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi với mục tiêu là duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi ở 100% số xã, phường, thị trấn và 9 huyện, thị xã, thành phố.
Để đảm bảo kế hoạch, tỉnh đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trước hết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đổi mới công tác quản lý. Mặt khác, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới, quy hoạch không gian, phát triển quy mô trường, lớp học.
Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cũng được đặt ra bên cạnh đối mới nội dung chương trình, phương pháp, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện; Tỉnh cũng sẽ thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi. Đẩy mạnh công tác XHH giáo dục và xây dựng cơ chế chính sách. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế...
Với Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở đã tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trực tiếp tham dự các đợt tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức; đồng thời tổ chức tập huấn tại tỉnh. Trong đó, tập huấn hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Chương trình giáo dục mầm non đối với 100 % cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non.
Tỉnh và ngành Giáo dục đã dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non thông qua việc triển khai hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Sự đầu tư và quan tâm tích cực đối với giáo dục mầm non đã góp phần giúp tỉnh đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Đội ngũ giáo viên được không ngừng nâng cao chuyên môn đáp ứng tốt nhất đòi hỏi công việc. |
"Toàn quốc đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2017. Hàng năm, các địa phương tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn và bổ sung các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để đảm bảo tính bền vững. Việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực để phát triển giáo dục mầm non.
Các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Đồng thời, các địa phương cần chú trọng công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo các điều kiện duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo…", ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT.