Cần kiểm soát chất lượng
Việc các trường đưa giáo viên người nước ngoài vào dạy tiếng Anh cho học sinh được thực hiện trong nhiều năm qua và tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Cơ bản mô hình này khá bổ ích khi giúp học sinh có môi trường thực hành tiếng Anh với người nước ngoài. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, vẫn cần khắc phục những khó khăn, bất cập.
Đối với việc học tiếng Anh, sĩ số lớp học càng ít càng tốt. Trong khi đó, ở các trường phổ thông hiện nay, mỗi lớp l có đến 40 - 50 học sinh. Chưa kể, nhiều trường chưa thể trang bị phòng học ngoại ngữ chuyên dụng giống như ở các cơ sở đào tạo ngoại ngữ hay ở những khoa ngôn ngữ của trường đại học.
Và còn những vấn đề liên quan đến chuyện nhập nhằng tài chính. Có trường công khai tài chính, cuối năm giáo viên có thêm một chút thu nhập tăng thêm từ nguồn dạy Anh văn với người nước ngoài. Nhưng cũng có trường khẳng định thu chỉ đủ bù chi, nghĩa là không còn dư đồng nào thì giáo viên cũng chỉ biết vậy. Bởi trong quá trình ký kết hợp đồng, chi trả thù lao cho giáo viên nước ngoài, hiệu trưởng trực tiếp ký với các trung tâm cung cấp nhân sự.
Chất lượng, trình độ của giáo viên dạy tiếng Anh cũng là điều đáng bàn. Có những trường, chất lượng giáo viên bảo đảm, học sinh hào hứng tham gia các tiết học. Nhưng cũng có một số trường, học sinh phản ánh, dù là giáo viên nước ngoài nhưng các thầy, cô phát âm chưa chuẩn, nghiệp vụ sư phạm còn yếu…
Cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết: Để triển khai hình thức học tập này, nhà trường phải tham khảo ý kiến của phụ huynh học sinh, nhận được sự đồng thuận cao mới thực hiện. Trong quá trình dạy học, trường luôn chọn đối tác, trung tâm ngoại ngữ có uy tín, chất lượng để giúp học sinh học tập tốt và hiệu quả. Nếu chất lượng giáo viên không bảo đảm, nhà trường sẽ đổi giáo viên, thậm chí đổi đối tác với mục tiêu giúp các em lĩnh hội được kiến thức tốt hơn.
Từ kinh nghiệm của nhà trường, theo cô Dung, để bảo đảm hiệu quả học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, các trường nên phối hợp chặt chẽ với các trung tâm ngoại ngữ để lựa chọn giáo viên có năng lực tốt, đủ hồ sơ theo quy định, sau đó kiểm tra nội dung giảng dạy phù hợp từng đối tượng. Đồng thời chủ động nắm bắt tình hình học tập của học sinh để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Để bảo đảm chất lượng, khắc phục tình trạng một lớp học có đông học sinh trong quá trình học ngoại ngữ, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) đã cử giáo viên của lớp học đó tham gia công tác trợ giảng cùng giáo viên nước ngoài. Theo thầy Phan Hồ Hải - Hiệu trưởng nhà trường, các giáo trình của giáo viên nước ngoài cũng được tổ chuyên môn của trường nghiên cứu kỹ, nhằm hỗ trợ các em đạt hiệu quả cao nhất khi học bài.