Theo cơ quan công an, có khoản 20.000 nhà đầu tư được xác định là bị hại trong vụ án BĐS Nhật Nam. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, không chỉ có Nhật Nam hoạt động huy động vốn theo mô hình kim tự tháp tương tự phương thức đa cấp (mô hình đa cấp Ponzi), như Tâm Lộc Phát, VsetGroup (hiện đã đổi tên thành VS INVEST GROUP), DH GROUP, Antech Group… cũng hoạt động tương tự.
Hoặc những doanh nghiệp lập app (ứng dụng) để huy đông vốn như: Passion Invest, Finhay, 3Gang, Tikop, Infina, Savenow, BUFF… các app này sử dụng công cụ truyền thông quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn.
Tuy nhiên, các website, app này lại có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Đối với Tâm Lộc Phát, doanh nghiệp này còn thường xuyên sử dụng nhiều hình ảnh của người nổi tiếng để tăng khả năng huy động vốn của doanh nghiệp như: Nghệ sĩ Quang Tèo (Nguyễn Tiến Quang) xuất hiện dày đặc trong các sự kiện của Công ty Tâm Lộc Phát, hoặc nghệ sĩ Bình Trọng cũng vậy.
Câu chuyện nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật cũng đã được báo chí nói nhiều. Nhưng vì sao những nghệ sĩ nổi tiếng vẫn “miệt mài” tiếp tay cho doanh nghiệp có dấu hiệu của vi phạm pháp luật ?
Chỉ riêng vụ Nhật Nam, đã có tới 20.000 nhà đầu tư được xác định là bị hại, nếu mở rộng đối với những nhóm doanh nghiệp nêu ở trên con số bị hại sẽ là "rất khủng khiếp"!
Mô hình kinh doanh đa cấp hoạt động phải được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, hoạt động tổ chức hội nghị khách hàng cũng cần phải có giấy phép mới được thực hiện. Nhưng những doanh nghiệp này nhiều năm liền và hiện tại (trừ Nhật Nam) vẫn thường xuyên tổ chức sự kiện để huy động vốn, nhưng không bị cơ quan chức năng tiến hành ngăn chặn. Đây là nỗi lo của nhiều nhà đầu tư, trước những mô hình kinh doanh đa cấp theo kiểu như Công ty BĐS Nhật Nam.