Để hát bội vươn ra thế giới

Trần Hoà | 26/05/2023, 09:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghệ thuật hát bội là một trong những di sản độc đáo của Việt Nam, nhưng việc quảng bá với bạn bè quốc tế dường như rất hạn chế.

Làm gì để hát bội vang xa?

Để hát bội vươn ra thế giới ảnh 2
Để hát Bội ra với quốc tế, cần chiến lược và sự đầu tư bài bản.

Các tư liệu về lịch sử nghệ thuật tuồng cho thấy, năm 1627 Đào Duy Từ là người đầu tiên mang về cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nghệ thuật tuồng (hát bội). Giới nghệ nhân tuồng và cổ nhạc Huế ngày nay vẫn thờ Đào Duy Từ làm tổ sư, và coi năm 1627 là mốc khởi đầu của lịch sử tuồng Huế.

Từ thế kỷ 17, tuồng Huế đã được hình thành và nhanh chóng chiếm được tình cảm của dân chúng. Quan trọng hơn, tuồng được các chúa Nguyễn trọng dụng để dần biến thành “quốc kịch” ở miền Nam. Trong một thời gian dài, hát bội trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người miền Nam.

Thế nhưng, từ khoảng những năm 2000 trở lại đây, hát bội ít được ưa chuộng. Theo thống kê của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, mỗi năm nhân lực cứ giảm dần dù nhà hát luôn nỗ lực tổ chức đào tạo, tìm kiếm, rộng cửa chào đón lớp trẻ đầu quân.

Trước nguy cơ mai một nghệ thuật hát bội, nhiều tỉnh, thành phía Nam từng ra sức họp bàn tìm cách chấn hưng nét văn hóa này. Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, các địa phương và các nhà hát vẫn loay hoay trong vòng luẩn quẩn “kinh phí - nhân lực - đầu tư - từ đâu?”.

Việc bảo tồn đã khó, việc phát huy và quảng bá giá trị của di sản hát bội ra với thế giới còn khó hơn. Có thể nói, trong suốt hàng chục năm qua hiếm có dự án nào lan tỏa hát bội ra quốc tế. Hoặc có đi chăng nữa, cũng chỉ là một vài hình thức giới thiệu, trưng bày hình ảnh, trang phục… chứ không có sự trọn vẹn tổng thể.

Kinh kịch của Trung Quốc cũng từng rơi vào hoàn cảnh giống như hát bội của Việt Nam. Thế nhưng đến nay, trên nền tảng mạng xã hội các video về Kinh kịch đã lan tỏa khắp thế giới.

Video quảng cáo của Genshin Impact - trò chơi nhập vai thế giới mở do Trung Quốc sản xuất đã nhận được hơn 31 triệu lượt xem và 2 triệu lượt thích trên nền tảng chia sẻ video Bilibili. Phiên bản có phụ đề tiếng Anh được đăng trên kênh YouTube có tới 9 triệu lượt với 360.000 lượt ưa thích.

Với cách quảng bá rộng khắp trên nền tảng công nghệ khiến du khách quốc tế đến Trung Quốc, ngoài việc ngắm các danh thắng thì phải nghe - xem Kinh kịch. Thậm chí, Nhà hát kịch lớn Trường An còn là nơi chuyên biểu diễn để quảng bá Kinh kịch đến với khách nước ngoài.

Xem người lại ngẫm đến ta. Không phải Việt Nam không quảng bá, cũng không thiếu các video hát bội. Thế nhưng, hạn chế dễ thấy là nền tảng công nghệ không được đầu tư, không có sự chuẩn bị bài bản, không chủ động quảng bá… mà hầu hết đều là tự phát, video do nhà hát tự quay hoặc do khán giả quay bằng điện thoại, chất lượng thấp không đảm bảo các tiêu chí công nghệ.

Theo giới nghiên cứu, để bảo tồn và quảng bá nghệ thuật hát bội, cần sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước và nghệ sĩ. Bên cạnh việc tạo cơ chế đặc thù, đẩy mạnh đầu tư thì phải tìm kiếm, đào tạo thế hệ nghệ sĩ tâm huyết kế thừa. Chúng ta không thể gìn giữ nếu không có nghệ sĩ tâm huyết, hát bội không thể vươn ra thế giới nếu mầm mống không được vun trồng hoặc không có chiến lược và sự đầu tư bài bản.

Bài liên quan
Mong một trải nghiệm di sản sâu sắc
Có một tâm lí mong thành đạt từ nghiệp học hành ở phần lớn các sĩ tử...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để hát bội vươn ra thế giới