Kể cả loại tai nghe bịt kín ống tai cũng có tác hại không kém, dù âm thanh nghe có vẻ trung thực hơn. Bởi khi ống tai bị bịt kín thì lượng không khí lưu thông trong tai bị tắt nghẽn, dẫn tới hậu quả là tai dễ bị viêm nhiễm, ráy tai xuất hiện nhiều và về lâu dài, có thể gây mất thính giác.
Ngoài ra, việc dùng chung tai nghe với người khác cũng có thể là mối nguy hại cho sức khỏe vì chúng có thể làm lây nhiễm vi khuẩn giữa những người cùng dùng chung tai nghe với nhau.
Nguy cơ tiềm ẩn từ chiếc tai nghe
Thói quen đeo tai nghe, đặc biệt là nghe nhạc với âm lượng lớn trong thời gian dài, khả năng bị giảm thính lực, bị điếc sẽ là rất cao. Hiện nay, hầu hết các loại tai nghe đều có công suất cực đại đến 120db, nó gây ra nhiều áp lực âm thanh trực tiếp đến tế bào thần kinh, nếu sử dụng không đúng cách. Vì vậy, nếu không thay đổi, bạn có còn thể đối mặt với nguy cơ bị điếc vĩnh viễn.
Theo TS Nguyễn Văn Khải, nhiều người có thói quen nghe nhạc khi đi xe máy trên đường, điều này lại càng nguy hiểm vì không nghe được tín hiệu từ các phương tiện khác, dễ gây tai nạn giao thông. Có người lại thích đeo tai nghe đi ngủ, như một hình thức tự ru ngủ lại càng nguy hiểm.
Tai không được nghỉ ngơi, luôn phải chịu một tần số âm thanh nhất định, dù là âm thanh nhỏ, về lâu dài cũng sẽ dẫn đến điếc. Chỉ nên đeo tai nghe trong những tình huống bất khả kháng như không làm phiền đến người khác, vì công việc phải làm… nhưng cũng không nên đeo liên tục quá 15 phút mỗi lần để tai được nghỉ ngơi.
TS Khải cũng lưu ý không dùng chung tai nghe với người khác, cũng không nên cho người khác mượn tai nghe, kể cả là người trong cùng một nhà nhằm tránh tình trạng lây nhiễm vi khuẩn chéo.
Nếu tai nghe có miếng bọc bên ngoài, người dùng nên thay chúng ít nhất mỗi tháng/ lần. Không nghe nhạc quá to. Cố gắng điều chỉnh âm lượng ở mức thấp hoặc tối đa là trung bình.
Tuyệt đối không tìm cảm giác mạnh bằng nghe nhạc sàn, nhạc rock, nhạc âm lượng to bằng tai nghe. Với tần suất âm thanh lớn đến 90 decibels trở lên chắc chắn sẽ bị giảm thính lực. Trong khi nếu mở hết cỡ âm lượng ở điện thoại, thiết bị nghe nhạc, có thể lên đến 150 decibels.
"Nhiều trường hợp đeo tai nghe quá lâu thành ra bị phụ thuộc, chỉ đeo tai nghe mới nghe rõ chứng tỏ thính lực đã bị giảm sút nghiêm trọng, cần đi kiểm tra để xác định rõ và có phương pháp điều trị. Đáng nói là điều trị thính lực rất khó khăn, lâu dài và gần như khi đã suy giảm thì không hồi phục được, do đó phải rất cẩn trọng với thói quen đeo tai nghe mỗi ngày", TS Nguyễn Văn Khải cho biết.
Nếu buộc phải đeo tai nghe nên điều chỉnh âm lượng ở mức nhỏ. Tuyệt đối không đeo tai nghe khi không gian xung quanh quá ầm. Khi đó phải mở âm thanh rất lớn mới nghe thấy, rất có hại.