Nói như Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), điều chỉnh này nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh từ khâu đăng ký, xét tuyển đến bảo đảm tính công bằng, minh bạch, khách quan giữa các phương thức tuyển sinh trong một ngành và giữa các trường với nhau; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong khâu xét tuyển, hạn chế được thí sinh ảo.
Tại nhiều cuộc họp liên quan đến công tác tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, đổi mới bao giờ cũng gắn với kế thừa và phát triển. Năm 2021, giữa “cơn bão” của đại dịch Covid-19, nhưng toàn hệ thống đã rút ra bài học kinh nghiệm của 2020. Nhờ đó mà công tác tuyển sinh đạt kết quả đáng khích lệ và thành công trên mọi phương diện; trong đó nhiều khâu được các cơ sở giáo dục vận dụng linh hoạt để phù hợp với bối cảnh của thực tiễn; thậm chí có những công đoạn chưa từng có tiền lệ, đơn cử như việc xác nhận nhập học trực tuyến.
Nhắc đến công nghệ mới thấy, đây được coi là điểm sáng trong các mùa tuyển sinh - năm sau hoàn thiện hơn và tốt hơn năm trước, nhất là trong bối cảnh đại dịch hoành hành chưa có hồi kết. Thế mới nói, việc đổi mới là cần thiết để bắt nhịp với thời đại, nhưng đổi mới không có nghĩa là “xóa sổ”, loại bỏ cái cũ. Trái lại, những ưu điểm sẽ được kề thừa và phát huy để ngày càng hoàn thiện hơn.
Vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã và đang được Bộ GD&ĐT và các cơ sở đào tạo “vận hành” theo hướng này. Điều đó không những giúp thí sinh đăng ký xét tuyển dễ dàng, mà còn giúp các trường thuận lợi trong các khâu của tuyển sinh và giảm được thí sinh ảo. Với các trường THPT, Sở GD&ĐT cũng giảm bớt các “công việc chân, tay” liên quan đến thủ tục hành chính.
Chẳng thế mà, năm nay Bộ GD&ĐT chủ trương tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu đăng ký thi tốt nghiệp THPT cho đến đăng ký nguyện vọng xét tuyển và lọc ảo. Đây cũng là một trong những điểm nhấn và gần như xuyên suốt những gì được cho là đổi mới của mùa tuyển sinh năm nay.