Tham luận tại Diễn đàn, các diễn giả đều cho rằng quốc tế hóa giáo dục không là chủ đề mới. Tuy nhiên, sự phân bổ không đồng đều về nguồn lực, sự phân hóa trong phát triển kinh tế đã tạo ra những khác biệt lớn giữa các quốc gia. Đây chính là thời điểm các CSGDĐH cần có 1 tầm nhìn chiến lược, tận dụng các nguồn lực hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, hợp tác xuyên biên giới trong GDĐH đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và campus- in campus là mô hình có thể giúp các CSGDĐH có thể tận dụng tối đa nguồn lực các bên để mang lợi ích tốt nhất cho các bên liên quan.
Mô hình campus-in-campus có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như kết hợp các chương trình đào tạo của các bên liên quan vào chương trình học của các CSGDĐH, thành lập các đơn vị thực hành/nghiên cứu của các doanh nghiệp/tổ chức/văn phòng tại các cơ sở GDĐH và ngược lại, thúc đẩy sự dịch chuyển của sinh viên và cán bộ giảng viên, xây dựng phân hiệu của các tổ chức giáo dục nước ngoài tại quốc gia sở tại.
Một điểm nhấn tại Diễn đàn FIHE 6 là triển lãm về quốc tế hóa giáo dục. Tại triển lãm, các đối tác của Trường ĐH Ngoại thương có các gian triển lãm, giới thiệu hoạt động quốc tế hóa giáo dục, nhấn mạnh vào chủ đề “campus-in campus”. Triển lãm là nơi các bên liên quan trong hệ sinh thái GDĐH chia sẻ kỹ hơn về kinh nghiệm, bài học và những điểm trọng yếu khi thực hiện hoạt động quốc tế hóa trong GDĐH.
Diễn đàn được tổ chức thường niên, với mục đích tìm kiếm các phương pháp sáng tạo, đổi mới và trở thành nơi cho các CSGDĐH trao đổi ý kiến, khám phá cơ hội hợp tác và theo đuổi mục tiêu quốc tế hóa của mình. Tại Diễn đàn, các bên liên quan trong hoạt động quốc tế hoá GDĐH, các CSGDĐH, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã chia sẻ hiểu biết, nghiên cứu, kinh nghiệm và bài học liên quan đến những mô hình đổi mới sáng tạo trong hợp tác quốc tế GDĐH.