Tiết dạy thực nghiệm Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1 chủ đề Món ngon Đồng Tháp. |
Tăng cường thực nghiệm để hoàn thiện
Tại tỉnh Kiên Giang, Sở GD&ĐT vừa tổ chức dạy thực nghiệm Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 10. Nội dung tổ gồm 4 chủ đề: Văn học dân gian ở tỉnh Kiên Giang; Nguồn lực phát triển kinh tế; Thế giới nghề nghiệp quanh ta; Bảo tồn và phát triển cảnh quan thiên nhiên ở Kiên Giang.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Kiên Giang, sau khi tổ chức dạy thực nghiệm, sở tổ chức góp ý, đánh giá cùng nhóm tác giả biên soạn Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh cấp THPT để rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó, có bước chuẩn bị tốt cho việc triển khai giảng dạy Tài liệu Giáo dục địa phương cấp THPT trong Chương trình GDPT năm 2018 từ năm học 2022 - 2023.
Nhằm thẩm định tính khoa học, thực tiễn của nội dung Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Đồng Tháp lớp 1, 2, 3, Sở GD&ĐT Đồng Tháp tập hợp các chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên tham gia thực nghiệm Tài liệu Giáo dục địa phương. Qua đó có cơ sở thực tiễn, rút kinh nghiệm về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học Giáo dục địa phương trong tỉnh.
Theo đại diện Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT Đồng Tháp), các đại biểu đã trao đổi về sự phù hợp của nội dung, ngữ liệu, cũng như hình thức trình bày, cách tiếp cận tài liệu, từ đó đề xuất hướng điều chỉnh bản thảo Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Đồng Tháp phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn địa phương.
Thông qua giảng dạy thực nghiệm Tài liệu Giáo dục địa phương, nhà trường chủ động các hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp cho nội dung này trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh. Như Trường THCS Long Tuyền (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm các khu di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương. Từ trải nghiệm, kiến thức thực tế, giáo viên lồng ghép giảng dạy vào môn học Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục địa phương... nhằm tạo hứng thú cho học sinh.
Theo cô Võ Thị Thúy Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Tuyền, ngoài việc dạy lồng ghép môn Lịch sử trên lớp học, vào các ngày lễ lớn trường tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động về nguồn, viếng nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích lịch sử… nhằm nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương, giáo dục các em tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Đây là hoạt động quan trọng để nhà trường giảng dạy hiệu quả hơn Giáo dục địa phương theo Chương trình GDPT mới.