Ở cấp độ chiến lược, Ukraine được cho là đã sử dụng UAV và tên lửa tấn công các nhà máy lọc dầu ở Tây Nam nước Nga nhằm làm suy giảm kho nhiên liệu dự trữ của đối phương, đồng thời tìm cách phá hủy các kho đạn dược, máy bay quân sự. Mục tiêu cuối cùng của các hoạt động này là gây gián đoạn nguồn tiếp tế của Nga cho chiến trường, hạn chế khả năng chiến đấu của đối phương.
Ở cấp độ chiến thuật, Kiev được cho là tiến hành nhiều cuộc đột kích vào một số khu vực ở biên giới của Nga chẳng hạn như Belgorod, buộc Nga phải đưa lực lượng tới bảo vệ những nơi ít có tầm quan trọng về chiến lược. Bên cạnh đó, một số nhà phân tích lưu ý, việc Ukraine tấn công ở Zaporizhzhia và Donetsk có thể chỉ là chiến thuật nghi binh để khiến Nga buông lỏng phòng thủ ở những nơi Kiev sẽ phát động cuộc tấn công chính.
Ukraine trước sức ép đáp ứng kỳ vọng của phương Tây
Cuộc phản công của Ukraine đang gặp rất nhiều trở ngại. Mặc dù Nga đã tổn thất khá nhiều về nhân lực và vũ khí sau hơn 16 tháng giao tranh, nhưng nước này đã thiết lập được các tuyến phòng thủ kiên cố trên khắp chiến tuyến, nhằm ngăn cản đà tiến công của Ukraine và giúp Nga có thời gian huy động không quân lẫn pháo binh để đáp trả.
Ngoài ra, các binh sỹ Ukraine được cho là thiếu kinh nghiệm khi tiến hành các hoạt động tấn công tổng hợp với quy mô lớn. NATO cùng các đối tác hiện đang đào tạo cho 12 lữ đoàn tấn công của Ukraine theo tiêu chuẩn hiện đại, nhưng những lữ đoàn này vẫn chưa được triển khai ra chiến trường.
Chưa kể, Ukraine cần phải tìm cách duy trì hoạt động của họ trong bối cảnh các cuộc tấn công đang đốt cháy nhiên liệu và đạn dược với tốc nhanh chóng. Nếu tuyến hậu cần của Ukraine bị phá vỡ, nước này có thể sẽ thất bại.
Trong cuộc phản công mới nhất này, Kiev cần phải chứng minh cho các đối tác quốc tế thấy rằng, việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho họ là điều đúng đắn. Nhưng Nick Reynolds, nhà nghiên cứu tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute – RUSI) cho rằng, những vũ khí do phương Tây tài trợ không phải là “viên đạn bạc’ dành cho Ukraine: “Quân đội Ukraine đang tiếp nhận rất nhiều khí tài quân sự từ phương Tây, nhưng tôi cho rằng điều này vẫn khó thay đổi hoàn toàn hiệu quả hoạt động của họ”.
Theo nhà phân tích này, phần lớn thiết bị phương Tây tài trợ cho Ukraine được quyết định bởi “thứ mà các nhà tài trợ cho là thuận tiện, thay vì những thứ Ukraine cần”. Ngoài vấn đề tích hợp khí tài quân sự mới vào hoạt động quân sự của mình, Ukraine còn đối mặt với thách thức phải xử lý một lượng lớn trang thiết bị và vũ khí không đồng bộ”.
Giới phân tích cho rằng, Ukraine đang phải chịu sức ép làm hài lòng các đối tác quốc tế - những nước cũng đang duy trì các nỗ lực nhằm đẩy lùi mối đe dọa của Nga trong tương lai. Ông Andrius Tursa, cố vấn Trung và Đông Âu tại Teneo, một công ty tư vấn rủi ro chính trị lưu ý: “Việc Ukraine lên kế hoạch phản công trong thời gian dài và sự xuất hiện của các loại vũ khí tiên tiến của phương Tây càng làm gia tăng thêm kỳ vọng đối với Ukraine nhưng điều này về lâu dài có thể gây phản tác dụng”.
Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia Reynolds nhận định: “Các cuộc thảo luận về cuộc phản công đã đặt ra những kỳ vọng phi thực tế đến mức Ukraine buộc phải chấp nhận mọi rủi ro. Những bước tiến chậm chạp của Kiev trên chiến trường có thể gây thất vọng”.
Theo ông, những ai mong đợi một “vụ nổ big bang” từ cuộc phản công này, cũng như việc Ukraine nhanh chóng giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đã mất vào tay Nga trong thời gian ngắn có thể sẽ thất vọng./.