Đồng hành cùng sinh viên nghèo vượt khó

Hải Minh | 22/12/2022, 17:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có những chính sách học bổng nhằm hỗ trợ người học, nhất là với sinh viên nghèo và cận nghèo.

Chi gần 30 tỷ cho học bổng

Là sinh viên được nhận học bổng du học 100% do nhà trường trao tặng, sinh viên Phạm Bội Ngân – lớp K67TYD là thủ khoa đầu vào năm 2022 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ tự hào khi được trở thành sinh viên của Học viện.

Ngân ấn tượng khi nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình từ các anh chị khóa trên. Tại Học viện còn có tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và nhiều câu lạc bộ để Ngân và sinh viên tham gia các sinh hoạt ngoại khóa. Đây là sân chơi bổ ích cho sinh viên vừa gắn kết với nhau, vừa phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ học tập dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí theo quy định của Nhà nước.

Theo TS Giang Trung Khoa, Trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), mỗi năm Học viện cấp gần 30 tỷ đồng tiền học bổng cho khoảng hơn 3.000 lượt sinh viên bao gồm cả khuyến khích học tập và tài trợ.

Đối với sinh viên nghèo vượt khó, đây là đối tượng được Học viện đặc biệt quan tâm. Những sinh viên này sẽ là đối tượng chính trong xét cấp học bổng tài trợ từ doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các sinh viên này cũng được ưu tiên khi xét học bổng khuyến khích học tập hàng kỳ theo quy định.

Nhấn mạnh đến tiêu chí để được xét các loại học bổng, TS Giang Trung Khoa thông tin, sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt từ loại khá trở lên. Ưu tiên đối tượng sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sinh viên tích cực tham gia công tác xã hội…

Đồng hành cùng sinh viên nghèo vượt khó ảnh 1

TS Giang Trung Khoa - Trưởng ban Công tác Chính trị & Công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và ông Ngô Duy Đông, Trưởng phòng nhân sự Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam trao học bổng cho sinh viên. Ảnh: VNUA.

Cũng theo TS Giang Trung Khoa, ngoài chương trình học bổng, các chương trình ngoại khóa được triển khai phát triển mạnh mẽ như: chương trình chào tân sinh viên, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, học thuật, tình nguyện, thiện nguyện, khởi nghiệp, giao lưu văn hóa, tọa đàm doanh nghiệp, thăm quan trải nghiệm… được các đơn vị tổ chức thường niên cho sinh viên.

TS Giang Trung Khoa cho rằng, năng lực của người học sau ra trường đòi hỏi cả kiến thức, kỹ năng và thái độ (năng lực tự chủ và trách nhiệm) nên các hoạt động ngoại khóa sẽ có vai trò rất lớn.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên. Hoạt động này được tổ chức được Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và các Khoa chuyên môn tổ chức thường niên.

Bên cạnh các hoạt động mà các bạn thường thấy như: văn hóa, văn nghệ, thể thao, học thuật (thi Olympic, thăm quan trải nghiệm doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học…), tình nguyện, thiện nguyện thì các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế và hơn 20 câu lạc bộ theo chuyên môn, sở thích sẽ là nơi để sinh viên có thể trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa thú vị tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó

Tại Trường ĐH Tây Nguyên; TS Vũ Minh Chiến - Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Tây Nguyên – cho biết, những năm qua, nhà trường đã thực hiện đúng, đầy đủ, thường xuyên các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên và các quy chế quy định về công tác học sinh, sinh viên; Định kỳ kiểm tra, đánh giá và báo cáo theo quy định.

Đầu mỗi học kỳ của từng năm học, nhà trường ra thông báo thu hồ sơ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, trợ cấp xã hội, để sinh viên biết và làm hồ sơ.

Nhà trường thực hiện hướng dẫn và thu hồ sơ của sinh viên thuộc các đối tượng thụ hưởng. Hết thời hạn thu hồ sơ, Hội đồng xét duyệt hồ sơ xem xét tính hợp pháp của hồ sơ và ra Quyết định đối với những sinh viên đủ điều kiện thụ hưởng thông qua website của trường.

Đồng hành cùng sinh viên nghèo vượt khó ảnh 2

Sinh viên trường Đại học Tây Nguyên.

Về miễn giảm học phí: Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Đối tượng được hưởng là sinh viên là người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được miễn học phí.

Về hỗ trợ chi phí học tập: Theo Thông tư liên tịch số: 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC, ngày 15/10/2014 và Quyết định số 66/2013/QĐ-TTG ngày 11/11/2013, đối tượng được hưởng là sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo từng kỳ; Trúng tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tham dự tuyển sinh theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, sẽ được hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở/1 tháng (hỗ trợ không quá 10 tháng/1 năm học).

TS Vũ Minh Chiến - Phó trưởng phòng Công tác sinh viên cho hay, về chế độ chính sách cho sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người (La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu), Trường ĐH Tây Nguyên thực hiện theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng hành cùng sinh viên nghèo vượt khó