Dự án giáo dục giảm thiểu tác động đô thị đến trẻ mầm non

Tùng Bách | 26/01/2022, 21:53
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Dự án Cộng đồng ứng dụng dạy học sáng tạo trong Giáo dục mầm non (CITIES) sẽ tiếp tục hành trình cải tiến cách dạy và học trong môi trường giáo dục mầm non Đà Nẵng.

Mục tiêu của CITIES giai đoạn 3 là tiếp tục giúp đội ngũ sư phạm thành phố nâng cao năng lực giải quyết rào cản đô thị đối với trẻ mầm non. Hướng đến tích hợp “cộng đồng thực hành” vào hệ thống hỗ trợ chuyên môn giáo viên cho giáo dục mầm non tại thành phố Đà Nẵng.

Nhìn lại những bước đầu tiên

Trong năm đầu tiên - Giai đoạn 1 (1/6/2019 - 31/5/2020), VVOB cùng đội ngũ giáo viên mầm non và cán bộ Sở GDĐT TP. Đà Nẵng đã tập trung xác định các rào cản trong lớp học, đô thị ảnh hưởng đến việc học và tham gia của trẻ. Đồng thời thử nghiệm các phương pháp sáng tạo áp dụng nghệ thuật để giảm thiểu các rào cản ấy.

Kết quả đạt được năm đầu tiên đến từ sự nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục hàng đầu từ VVOB, cũng như sự hỗ trợ từ Sở GDĐT TP. Đà Nẵng. Tiêu biểu, dự án đã đưa ra được những phương pháp dạy và học đổi mới - sáng tạo, hướng đến việc nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên và giải quyết rào cản đô thị cho trẻ mầm non.

Trong năm thứ hai - Giai đoạn 2 (1/6/2020 - 28/2/2021), với sự tham gia và hỗ trợ của các chuyên gia giáo dục quốc tế, các thành viên của dự án đã hoàn thiện bộ tài liệu “Một số ý tưởng tổ chức hoạt động với trẻ sử dụng cơ hội đô thị mang lại để giảm thiểu rào cản”.

hinh-1.jpg
Một trong nhiều hoạt động dạy và học sáng tạo cho trẻ mầm non trong bộ tài liệu được VVOB thiết kế.

Song song đó, 2 Cộng đồng thực hành (CĐTH) gồm các giáo viên và cán bộ quản lý từ các trường mầm non công lập và tư thục tại Đà Nẵng đã được thành lập.

Trong khuôn khổ dự án, nhiều chuỗi hoạt động giáo dục nhằm gợi mở cách tận dụng cơ hội và giảm thiểu rào cản đô thị cho trẻ thông qua phương pháp tiếp cận sáng tạo, cũng đã được tổ chức.

Ngoài ra ở giai đoạn này, VVOB cũng phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai các buổi hội thảo, tập huấn nhằm cải thiện chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý ở 8 trường mầm non tại Đà Nẵng.

Triển vọng từ hành trình giáo dục nhân văn

Sau giai đoạn thí điểm, dự án đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Đầu tiên là sự thành lập của 2 CĐTH - nhóm những người có cùng chuyên môn để học hỏi từ nhau và học với nhau. Đây là một hình thức phát triển chuyên môn giáo viên có tính hiệu quả cao, vì các thành viên trong CĐTH đều có vai trò ngang nhau, tự chủ và dẫn dắt nhau để thử nghiệm và thảo luận về những ý tưởng mới.

Qua thời gian nghiên cứu, dự án xác định được 2 rào cản đô thị chính, bao gồm các thay đổi về sự gắn kết xã hội trong bối cảnh đô thị và sự tiếp cận hạn chế tới các không gian mở để vui chơi trong bối cảnh đô thị.

Song song với hai rào cảo, đô thị cũng mang lại 2 cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, chính là sự tiếp cận với nguồn nghệ thuật trong thành phố và sự đa dạng của nguồn học liệu trong đời sống đô thị.

Tiếp đến, dự án CITIES cũng đã hoàn thiện bộ tài liệu chuyên môn, đề xuất 8 ý tưởng dạy và học dựa trên sáng tạo và nghệ thuật. Đây là nguồn tư liệu tạo cảm hứng và hướng dẫn giáo viên tổ chức hoạt động nhằm nâng cao cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ thông qua việc đưa thành phố vào trường học, và đưa trường học ra phố.

hinh-2.jpg

Các giáo viên và cán bộ quản lý mầm non tại Đà Nẵng hăng hái tham gia các buổi hội thảo, tập huấn nâng cao chuyên môn trong khuôn khổ dự án CITIES.

Cô Hà Thị Hà, Giáo viên trường mầm non Vành Khuyên, quận Sơn Trà nhận định về hoạt động cho trẻ tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, một trong các ý tưởng dạy và học dựa trên sáng tạo nghệ thuật: “Khi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật, việc “truy tìm” những đường nét và hình dạng trong các bức tranh đã giúp trẻ tập trung khám phá các bức tranh và cùng nhau trao đổi. Cách tổ chức tham quan bảo tàng lần này khác với cách mà chúng tôi thường làm.”

Từ góc nhìn của Bộ GDĐT, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non đánh giá cao các phương pháp mà bộ tài liệu đưa ra: “Các phương pháp sáng tạo dựa vào nghệ thuật mà VVOB đang thí điểm, là một kỹ thuật rất tốt hỗ trợ cho giáo viên, nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ theo tinh thần lấy trẻ làm trung tâm.”

Ước tính qua 2 giai đoạn, dự án đã tác động được đến 188 giáo viên và 23 cán bộ quản lý của 8 trường mầm non thí điểm (6 trường công lập và 2 trường tư thục), cũng như cán bộ của Sở và Phòng GDĐT TP. Đà Nẵng.

Tác động tích cực của CITIES trong 2 giai đoạn đầu đã tạo nền tảng vững chắc để VVOB tiếp tục triển khai giai đoạn 3, với mục đích giúp các giáo viên và cán bộ giáo dục mầm non tại Đà Nẵng tiếp tục được nâng cao năng lực giải quyết những rào cản đô thị đối với việc học của trẻ, cũng như hiểu sâu hơn về phương pháp CĐTH và áp dụng CĐTH vào hệ thống phát triển chuyên môn của trường.

hinh-3-2-(1).jpg

Hình ảnh trong hội thảo khởi động dự án CITIES - Cộng đồng ứng dụng dạy học sáng tạo trong Giáo dục mầm non - Giai đoạn 3

Ngày 17/1 vừa qua, hội thảo trực tuyến khởi động dự án CITIES - Cộng đồng ứng dụng dạy học sáng tạo trong Giáo dục mầm non - Giai đoạn 3 tại Đà Nẵng đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội thảo có sự tham gia của bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GDĐT TP. Đà Nẵng, bà Karolina Rutkowska, Trưởng Văn phòng dự án VVOB Việt Nam, và hơn 40 đại diện từ hệ thống sư phạm mầm non Đà Nẵng và tổ chức VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ). Ở Giai đoạn 3, dự án hướng đến là giúp giáo viên, cán bộ sư phạm mầm non Đà Nẵng nâng cao năng lực giải quyết những rào cản đô thị bằng cách xây dựng phương pháp dạy và học sáng tạo lấy cảm hứng từ nghệ thuật và bản sắc thành phố.


Bài liên quan
Thầy giáo chỉ "bí quyết" vượt kỳ thi đánh giá năng lực 2022 của ĐHQG Hà Nội
(GDTĐ) - Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2022 của ĐHQG Hà Nội dự kiến thu hút trên 70.000 thí sinh tham gia. Ôn luyện thế nào để kỳ thi này đạt kết quả cao được nhiều học sinh THPT quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án giáo dục giảm thiểu tác động đô thị đến trẻ mầm non