Khoa học - công nghệ

Đưa năng lực số vào 'mạch sống' chương trình đào tạo đại học

11/07/2025 23:08

Theo các chuyên gia, việc lồng ghép năng lực số vào chương trình đào tạo đại học là việc làm cấp thiết, hữu ích cho sinh viên trong kỷ nguyên số.

Ngày 11/7, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo Triển khai khung năng lực số cho sinh viên - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Hội thảo diễn ra tại Trường Đại học RMIT Việt Nam (TPHCM), với sự tham dự của đại diện các Vụ, Cục từ Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và hơn 200 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Nhiều vấn đề đặt ra khi triển khai khung năng lực số

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ tháng 1/2025, Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học.

Khung năng lực số này đóng vai trò làm cơ sở để các trường xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, phát triển chương trình giáo dục, đồng thời là nền tảng cho việc biên soạn tài liệu học tập và tài liệu hướng dẫn nhằm hỗ trợ người học phát triển năng lực số một cách bài bản.

pho-vu-truong.jpg
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, hiện nay các trường cần lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển và ứng dụng năng lực số vào chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, việc xác định cách tiếp cận, từ xây dựng khung chương trình, tổ chức thực hiện đến kiểm tra, đánh giá cũng đặt ra những bài toán cho các cơ sở đào tạo.

Một vấn đề khác cần lưu ý là nhân sự để triển khai khung năng lực số cho người học. Hiện nay, đội ngũ cán bộ trẻ thường có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ và phương pháp mới, trong khi các nhân sự lớn tuổi đôi khi gặp khó khăn trong việc chuyển đổi cách dạy và tiếp cận năng lực số.

Ngoài ra, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng đặt vấn đề về việc kiểm tra, đánh giá năng lực số của sinh viên. "Điểm đánh giá có thực sự phản ánh đúng năng lực số của các em hay không?", ông Dũng nêu vấn đề thảo luận tại hội thảo.

"Công nghệ vì con người"

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Đỗ Văn Hùng, Trưởng Khoa Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn lại triết lý giáo dục của John Dewey (1859 – 1952), nhà triết học, nhà cải cách giáo dục người Mỹ: “Hãy chấm dứt việc coi giáo dục là sự chuẩn bị đơn thuần cho cuộc sống tương lai, hãy coi giáo dục như là ý nghĩa đầy đủ của đời sống đang diễn ra trong hiện tại”.

PGS Hùng cho rằng triết lý “Giáo dục là cuộc sống” của Dewey đã góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội về bản chất của giáo dục. Vì giáo dục chính là cuộc sống nên chương trình học cần gắn liền với thực tiễn và các hoạt động trải nghiệm.

Kiến thức không nên chỉ là sự áp đặt từ bên ngoài mà phải được hình thành qua trải nghiệm thực tế của người học. Quá trình giáo dục cần lấy người học làm trung tâm, thay vì lấy người dạy làm trung tâm.

Ông Hùng nhấn mạnh, tư tưởng này cũng đặc biệt phù hợp trong bối cảnh phát triển năng lực số hiện nay, nơi người học cần được chủ động, sáng tạo và làm chủ trải nghiệm học tập của chính mình.

dscf0012.jpg
PGS.TS. Đỗ Văn Hùng – Trưởng Khoa Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn lại triết lý giáo dục của John Dewey (1859 – 1952).

Theo PGS.TS. Đỗ Văn Hùng, chiến lược tiếp cận năng lực số tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được phát triển dựa trên nền tảng nhân văn, với định hướng tích hợp giữa công nghệ và các giá trị nhân văn trong chương trình đào tạo.

Triết lý cốt lõi được xác định là: “Công nghệ vì con người – Con người làm chủ công nghệ”.

Về mặt triển khai, nhà trường xác lập bộ chuẩn đầu ra mới, đổi mới chương trình đào tạo, tích hợp sâu yếu tố công nghệ số vào từng học phần. Song song đó, giáo dục khai phóng và trách nhiệm xã hội được lồng ghép vào các hoạt động đào tạo số nhằm phát triển toàn diện người học.

Một loạt học phần chuyên biệt cũng được thiết kế như: công dân số, kỹ năng thông tin, đạo đức số và trí tuệ nhân tạo (AI). Các hội thảo, khóa học về năng lực số với chiều sâu nhân văn được tổ chức thường xuyên để nâng cao năng lực cho giảng viên và sinh viên.

PGS Hùng cho biết, nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy hệ sinh thái học tập số lấy người học làm trung tâm, thông qua kết nối và hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, các trường đại học trong và ngoài nước.

Khung năng lực số dành cho người học hướng đến việc phát triển các năng lực thích ứng lâu dài, gồm: tính linh hoạt (flexibility), tư duy phát triển (growth mindset), năng lực tự chủ cá nhân (personal agency), giải quyết vấn đề một cách sáng tạo (creative problem solving), giao tiếp và hợp tác (communication and collaboration), quản lý dự án (project management).

Các năng lực này được phát triển theo lộ trình 4 cấp độ: thành thạo (fluency), thông thạo (proficiency), chuyên sâu (expertise) và làm chủ (mastery).

Đưa năng lực số vào từng môn học

Báo cáo tham luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) chia sẻ kinh nghiệm triển khai khung năng lực số cho sinh viên tại một trường đại học tư thục.

Đồng thời, GS Kiên giới thiệu mô hình Trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số trong giáo dục đại học vì sự phát triển bền vững của HUTECH.

Theo ông, HUTECH đã xây dựng một hệ sinh thái giáo dục hiện đại, trong đó chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Năng lực số và trí tuệ nhân tạo được lồng ghép xuyên suốt trong chương trình đào tạo nhằm chuẩn bị cho người học sẵn sàng trước những biến đổi của thời đại.

dscf0015.jpg
GS.TS Nguyễn Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Chương trình học gồm 5 yếu tố cốt lõi: tư duy thiết kế dự án, phát triển bền vững, trí tuệ nhân tạo ứng dụng, công nghệ và kinh nghiệm nghề nghiệp.

Từ đó, sinh viên được trang bị các năng lực đầu ra bao gồm: kỹ năng giải quyết vấn đề (problem-solving skills), năng lực phát triển bền vững (sustainable development competency), năng lực số và AI (digital and AI competency) và năng lực nghề nghiệp (professional competency).

GS Kiên cho biết, hệ sinh thái học tập của HUTECH còn ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm dạy và học. Mỗi đề cương chi tiết, mỗi học phần đều tích hợp các tiêu chí chuẩn về năng lực số cho sinh viên.

Ông nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả năng lực số trong môi trường đại học, cần có sự thay đổi tư duy đồng bộ từ cấp lãnh đạo trường, đến trưởng khoa và giảng viên.

dscf0004.jpg
TS. Lê Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM chia sẻ kinh nghiệm triển khai khung năng lực số tại nhà trường.

TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM cho biết, quá trình triển khai khung năng lực số tại trường được xây dựng theo lộ trình gồm 4 giai đoạn: trước năm 2013, từ 2013 đến 2019, từ 2020 đến 2025 và từ năm 2025 trở đi.

Từ đầu năm 2020, Trường ĐH Mở TPHCM đã áp dụng mô hình dạy học kết hợp (blended learning), tích hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến dành cho sinh viên chính quy.

Bước sang giai đoạn từ năm 2025, theo Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT và Quyết định số 1504/QĐ-BGDĐT, chương trình đào tạo Tin học dành cho sinh viên không chuyên ngành Công nghệ thông tin tại trường đã được cập nhật chính thức.

Nội dung đào tạo được thiết kế nhằm củng cố kiến thức công nghệ thông tin và phát triển năng lực số theo hướng tiệm cận các bậc 5 và 6 trong Khung năng lực số quốc gia.

Chương trình không chỉ tiếp tục trang bị kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm văn phòng thiết yếu, mà còn mở rộng sang các chủ đề mới như trí tuệ nhân tạo (AI) – một lĩnh vực trọng yếu thuộc miền năng lực số 6.

Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng lực số toàn diện cho sinh viên không chuyên ngành công nghệ thông tin.

dscf0009-1914.jpg
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cùng chia sẻ các phương thức tăng cường năng lực số cho sinh viên trong bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng chuyển đổi số.

Các đại biểu nhấn mạnh vai trò thiết yếu của việc trang bị năng lực số như một yêu cầu nền tảng để sinh viên thích ứng và phát triển trong môi trường lao động hiện đại.

Bên cạnh các giải pháp tích hợp năng lực số vào chương trình đào tạo, phát triển học liệu số, tổ chức các học phần chuyên sâu và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn đang gặp phải.

Một số trường đại học gặp khó trong việc đầu tư hệ thống học tập trực tuyến đồng bộ, trang thiết bị thực hành, phần mềm chuyên dụng hoặc đội ngũ giảng viên chưa được đào tạo bài bản về phương pháp dạy học tích hợp năng lực số.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dua-nang-luc-so-vao-mach-song-chuong-trinh-dao-tao-dai-hoc-post739341.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dua-nang-luc-so-vao-mach-song-chuong-trinh-dao-tao-dai-hoc-post739341.html
Bài liên quan
Từng bước triển khai khung năng lực số cho học sinh và giáo viên
Sáng 11/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì cuộc họp về triển khai khung năng lực số cho học sinh và giáo viên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa năng lực số vào 'mạch sống' chương trình đào tạo đại học