Tuy nhiên, sau hai năm dịch Covid-19, hệ thống giáo dục Đức vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Mỗi ngày, hàng nghìn trẻ vị thành niên từ Ukraine rời quê hương đến các quốc gia phương Tây như Ba Lan, Italy, Đức… Ông Udo Beckmann, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục VBE, Đức, cho biết: “Tại Đức, ước tính một nửa số người tị nạn Ukraine là học sinh. Ngày hôm qua, họ vừa đến trường học thì nay đã trở thành trẻ tị nạn. Cuộc sống của các em đã thay đổi một cách đột ngột”.
Tuy nhiên, sau hai năm đại dịch, hệ thống giáo dục Đức đã chịu tác động tương đối nghiêm trọng. Trước đại dịch, các trường học tại Đức cũng phải vật lộn với tình trạng thiếu giáo viên. Khi Covid-19 xuất hiện, số lượng giáo viên nghỉ việc vì mắc Covid-19 chiếm khoảng 10%. Nhiều người kiệt sức vì khối lượng và áp lực công việc khổng lồ nên đã xin nghỉ việc.
Do đó, khi trẻ em Ukraine sơ tán đến Đức, quốc gia này phải đối mặt với thách thức kép là “tiếp nhận giáo dục trẻ tị nạn trong khi có quá ít giáo viên, nhân viên trong trường học”.
Ngoài ra, các chuyên gia giáo dục dự đoán phía trước còn rất nhiều khó khăn. Một trong số đó là việc trẻ tị nạn chịu tổn thương tâm lý và cần được tư vấn, hỗ trợ về mặt sức khỏe tâm thần.
Giáo viên người Đức Anja Bensinger-Stolze cho biết: Các em phải trốn chạy khỏi quê hương. Các em có thể phải nói lời từ biệt người thân hay chứng kiến cảnh ngôi nhà thân yêu bị ném bom. Đây là một trải nghiệm không hề dễ dàng với trẻ em ở lứa tuổi này. Đó là lý do tại sao các em cần hỗ trợ tâm lý từ các chuyên gia tâm lý học đường hoặc giáo viên được đào tạo chuyên biệt.
Các chuyên gia khuyến nghị Bộ Giáo dục Đức rút ngắn các thủ tục nhập học cho trẻ tị nạn Ukraine để các em sớm được trở lại trường học. Bộ trưởng Giáo dục liên bang, Bettina Stark-Watzinger đề nghị thuê giáo viên Ukraine trong nhóm người tị nạn làm việc tại trường học và trung tâm giữ trẻ tại Đức.
Thầy cô sẽ là cầu nối cho trẻ em Ukraine tại nước này. Bộ trưởngBettina nhấn mạnh, đây sẽ là giải pháp nhanh chóng nhằm giảm bớt tình trạng khẩn cấp về biên chế giáo viên.
Tuy nhiên, Đức chưa thể ước tính số lượng giáo viên trong cộng đồng người tị nạn và mức độ tuyển dụng dựa trên trình độ của họ.
Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Đức Heinz-Peter Meidinger bày tỏ hoài nghi: “Biện pháp này chỉ như một giọt nước trong đại dương chứ không phải giải pháp bền vững”. Ông Heinz-Peter đề nghị tuyển dụng giáo viên đã nghỉ hưu, những người đang đề nghị được trở lại làm việc khi chứng kiến làn sóng trẻ tị nạn Ukraine tại Đức.
Nhưng vẫn còn đó những câu hỏi lớn như: Số lượng trẻ tị nạn sẽ đến Đức là bao nhiêu? Liệu các em sẽ ở lại bao lâu và có thể trở về nhà trong tương lai gần hay không? Liệu gia đình các em có chấp nhận các trường học Đức? Điều chắc chắn là người dân Đức sẵn lòng giúp đỡ người dân tịnạn Ukraine.
“Tôi lạc quan rằng sự đoàn kết đang ngày một mạnh mẽ hơn. Rất nhiều tình nguyện viên đã đến giúp đỡ chúng tôi bằng tất cả trái tim”, cô Aja cho hay.