Sở này yêu cầu việc huy động nguồn lực tổ chức thực hiện phải đúng với Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động trong cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn và các văn bản hiện hành. Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh ngày 20/3 cũng gửi văn bản yêu cầu các đơn vị giáo dục toàn thành phố rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp...
Có thể thấy, lý do nhiều trường triển khai chưa đúng có thể từ nhận thức chưa đầy đủ, hiểu chưa đúng tinh thần; nhưng cũng có trường hợp vì lợi ích kinh tế… Cần phân biệt rõ ràng việc tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm bắt buộc theo chương trình giáo dục.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) từng lưu ý điều này khi nhấn mạnh: Hoạt động trải nghiệm không có nghĩa là thu tiền của phụ huynh và đưa các em lên xe đi đến một nơi nào đó. Hoạt động trải nghiệm có trong mỗi bài học, cuối bài đều có phần phát triển năng lực cho học sinh. Các em có thể luyện tập ngay trong trường, qua cuộc sống xung quanh, liên hệ kiến thức đã học giải quyết vấn đề thực tế để biết tính ứng dụng của bài học. Các em cần phải viết báo cáo gửi giáo viên để tổng kết lại sau khi kết thúc quá trình trải nghiệm.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa chối bỏ việc tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm ngoài nhà trường một cách cực đoan. Cần thấy rằng, đây vẫn là hoạt động bổ ích nếu được lên kế hoạch phù hợp về nội dung, mục đích, yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với đối tượng học sinh; huy động nguồn lực theo đúng quy định và bảo đảm an toàn cho người học.