Ethylene Oxide là chất độc không được dùng ở Việt Nam

Hoài Thương | 31/08/2021, 08:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTD) - Ethylene Oxide là chất không được sử dụng ở Việt Nam. Trong các tiêu chuẩn Việt Nam về thực phẩm hiện nay không đề cập đến chất này.

Ethylene Oxide là chất cấm

Ngày 20/8, trang web của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cho biết đã thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền do có thành phần Ethylene Oxide. Trong đó, bao gồm 2 sản phẩm của Việt Nam là miến và mì tôm chua cay Hảo Hảo của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Viết, nguyên cán bộ Viện Bảo vệ Thực vật cho biết, Ethylene Oxide (EO), hay còn gọi là oxiran và epoxit, là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy.

EO được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.

EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao. Nó được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản. Khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm, đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế,...

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Trâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam cho biết, EO là chất cấm, thậm chí không được sử dụng trong thuốc trừ sâu ở Việt Nam. 

Đối với các sản phẩm vừa được phát hiện có chất EO, theo bà Trâm, việc xác định hóa chất xuất hiện ở khâu nào không khó. Lý do các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đều có mã số mã vạch chi tiết đến từng quy trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển. Việc truy xuất quy trình ở từng khâu đối với những lô sản phẩm này khá đơn giản.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Trâm cho biết, thông tư 50/2016 của Bộ Y tế về quy định mức tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm, không quy định dư lượng của chất EO. Việc không quy định không có nghĩa là được phép sử dụng. Còn trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, Ethylene Oxide là chất cấm, không được đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng.

Đây là chất độc bị cấm nên rất nhiều quốc gia không quy định cụ thể về thành phần, trong đó có Việt Nam. Trong các tiêu chuẩn Việt Nam TCVN về thực phẩm, hiện nay không đề cập đến chất này. “Việc không quy định về chất này, đồng nghĩa với việc cấm sử dụng”, một cán bộ thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết.

Sử dụng lâu dài gây ung thư

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, EO là chất cấm, không được xem xét sử dụng cho thực phẩm. EO không phải là một loại phụ gia trong thực phẩm. Nó có thể xuất hiện trong quá trình xử lý nguyên liệu, khử trùng, nấm mốc.

Về nguyên nhân xuất hiện EO trong gói mỳ có thể nhà sản xuất mì mua sẵn bao bì, cuộn màng, giấy gói mì của 1 công ty khác. Trong khi công ty sản xuất bao bì muốn cho bao bì sạch, không bị mốc, họ sử dụng chất EO để khử trùng, diệt vi khuẩn. Khi nhà sản xuất mì dùng màng đó gói mì có khả năng nó vẫn còn dư lượng hóa chất. Một khả năng khác là người ta dùng EO để khử trùng cho những gia vị khô (hạt tiêu, ớt khô).

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, nguyên giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Ethylene Oxide là chất độc gây ung thư đối với động vật. Người ta dùng chất này chủ yếu trong việc tẩy trùng và khử trùng.

Về cơ chế khử trùng, Ethylene Oxide khi gặp các vi sinh vật sẽ xảy ra quá trình Alkyl hoá ADN và ARN, làm bất hoạt vi sinh vật, nên EO trở thành thuốc khử trùng phổ rộng. Tuy nhiên, chính vì EO làm biến đổi vật chất di truyền ADN và ARN, tức là biến đổi gene, nên tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Trong thực phẩm, với một lượng rất nhỏ, sẽ không gây ra các phản ứng tức thì. Tuy nhiên nếu sử dụng lâu dài, tích lũy đến một lượng đủ lớn, sẽ là tác nhân gây ung thư. Hiện để khử trùng thực phẩm công nghiệp, có rất nhiều công nghệ an toàn hơn. EO cũng giống như các hóa chất khác, sẽ không gây độc hại ngay khi sử dụng với liều lượng rất nhỏ. Nhưng nếu sử dụng liên tục, trong thời gian dài thì sẽ có những tác hại nhất định mà nghiêm trọng nhất là ung thư.

Các chuyên gia cho rằng, sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn nói chung không tốt cho sức khỏe. Người dùng nên tăng cường sử dụng thực phẩm tươi sống, tự chế biến thay vì sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn tiện dụng.

Bài liên quan
Ireland thu hồi mì tôm chua cay Hảo Hảo do chứa thành phần thuốc trừ sâu
(GDTD) - Ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cho biết đã thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền do có thành phần Ethylene Oxide. Trong đó, bao gồm miến và mì tôm chua cay Hảo Hảo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ethylene Oxide là chất độc không được dùng ở Việt Nam