Giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình

Trần Hoà | 28/06/2022, 11:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), nhiều địa phương tổ chức biểu dương các gia đình tiêu biểu, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt.

Hôm nay, tròn 22 năm Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Hôm nay, cũng là tròn 21 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) mang nhiều ý nghĩa cao đẹp. Tuy nhiên, có một thực tế là càng ngày người ta càng ít quan tâm đến gia đình, và quên đi “nhiệm vụ tự thân” - là xây dựng nét văn hóa trong gia đình.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình người Việt có những thay đổi, thậm chí đảo lộn và mất đi vốn liếng văn hóa.

Gia đình truyền thống của người Việt đề cao giá trị tập thể, cộng đồng. Do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo: Trọng lễ nghi, phép tắc, tình người, tuổi tác, kinh nghiệm, hiếu nghĩa… nên mỗi gia đình, dù ít hay nhiều đều có những khuôn phép nhất định.

Ngày xưa, người Việt đề cao gia đình có gia quy, gia huấn. Ngày nay, các yếu tố đó có thể không còn phù hợp, nhưng quy tắc kính trên nhường dưới vẫn được nhiều bậc cha mẹ làm gương, cũng như truyền lại cho con cái để có cách ứng xử đúng.

Theo các nhà nghiên cứu, một trong các giá trị đỉnh cao của gia đình thời hiện đại chính là giữ được nét văn hoá truyền thống. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy “giá trị đỉnh cao” bây giờ khá hiếm, thậm chí đã mất hẳn - ngay cả trong các gia đình mẫu mực.

Chúng ta không thể bắt con cái phải sống theo kiểu “tam đại đồng đường” hay “tứ đại đồng đường”. Ngày xưa điều kiện khó khăn, việc thoát ly ra khỏi tổ ấm dường như rất ít. Còn ngày nay, môi trường xã hội đổi thay, việc tách ra ở riêng để tự chủ là nhiệm vụ bắt buộc.

Cho nên, “giá trị đỉnh cao” có những điều phù hợp và có những thứ bất hợp lý. Văn hóa truyền thống luôn bao hàm cả giá trị làm người, nên một gia đình hiện đại – có văn hóa, giữ được nét truyền thống không bao giờ nằm ngoài những quy định mang tính khuôn phép: Thờ cha kính mẹ, kính trên nhường dưới, yêu thương đùm bọc, chị ngã em nâng…

Chỉ tiếc rằng, nhiều gia đình quá đề cao tiền bạc, nặng về vật chất mà xem nhẹ quan hệ tình cảm, buông lỏng việc giáo dục ý thức trách nhiệm, lối sống lành mạnh cho con cái.

Các thành viên trong gia đình ít quan tâm nhau nên độ cố kết gia đình lỏng lẻo. Lối sống thực dụng khiến mâu thuẫn giữa các thế hệ ngày càng rõ rệt, dẫn tới lối ứng xử lệch lạc.

Đặc biệt, giữa vợ và chồng ngày nay luôn nuôi dưỡng quan niệm “hợp ở - chán đi”, khiến tổ ấm gia đình chỉ là một “quán trọ” tạm bợ, không có sự chắc chắn.

Bởi vậy, gia đình cần phải được xây dựng bền vững, trở thành tổ ấm hạnh phúc cho mọi thành viên – để các giá trị đạo đức và lối sống gia đình truyền thống có cơ hội được bảo tồn và lan tỏa.

Bài liên quan
Gia đình ba đời đỗ Trạng nguyên hiếm có trong sử Việt
Ba đời ông – con – cháu đều đỗ Trạng nguyên, đó là trường hợp duy nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình