Giáo dục đào tạo là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chuyển đổi số. Theo Quyết định số 749, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, chuyển đổi số là điều kiện tất yếu để xây dựng trường học thông minh trong thời đại 4.0.
Đại diện Bộ GD&ĐT, Microsoft Việt Nam và các sở GD&ĐT, trường đại học bấm nút phát động Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Giáo dục Việt Nam trên nền tảng công nghệ thông tin 2022 – 2023. |
Cụ thể, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Cô Phạm Thị Ái Vân, giáo viên Địa lý, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), cho rằng, chuyển đổi số đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng nhiều yêu cầu về chuyên môn sâu, kỹ năng công nghệ, tìm tòi ứng dụng, sáng tạo trong dạy học. Nhiều năm liền xây dựng tiết học, chuyên đề có ứng dụng công nghệ để làm mới những bài giảng của mình như Plicker, Classpoint, Canva, QR code, video tương tác…, ngoài ý tưởng sáng tạo, theo cô Vân, giáo viên phải hướng dẫn được cho học sinh cộng tác online với nhau để hoàn thành các dự án học tập.
“Triển khai chuyển đổi số trong dạy học đòi hỏi nỗ lực ở cả giáo viên và hậu thuẫn cơ sở vật chất, chính sách của nhà trường. Giáo viên phải thông thạo các phần mềm để giúp học sinh thiết kế và khai thác những tri thức mới trong học tập. Trường học cần đầu tư về thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng… mới đạt hiệu quả tốt”, cô Vân chia sẻ.
Trong một nỗ lực khác, Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê đang xây dựng kế hoạch mua phần mềm có bản quyền để trường học trên địa bàn có sự thống nhất khi xây dựng kho học liệu số. “Với cách làm này, giáo viên có thể cập nhật, chỉnh sửa nội dung bài giảng qua từng năm học theo yêu cầu thực tế, như bổ sung nội dung mới, lược bỏ các nội dung được tinh giản… Trường học cùng bậc học có thể sử dụng hoặc tham khảo bài giảng điện tử của nhau trên website của các trường. Hơn thế, đây sẽ là nền tảng để phòng xây dựng ngân hàng đề dùng chung trong toàn quận”, bà Lê Thị Hoàng Chinh thông tin.
Những sản phẩm, kinh nghiệm có được của giáo viên – học sinh hình thành từ không gian dạy học trực tuyến vẫn được duy trì bằng một cách nào đó, như mô hình lớp học đảo ngược. Giáo viên chuyển nội dung bài học thông qua nhóm học tập như Zalo, MS Team… để học sinh tìm hiểu, nghiên cứu trước. Một tiết học vì vậy có thể kéo dài hơn 45 phút thời gian tuyến tính tại trường. Giáo viên có thể giao bài tập, kiểm tra kết quả bài làm trực tuyến…”, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, nhấn mạnh.