Giải đáp nghi vấn 'lộ đề' thi Đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội

Nhật Hạ | 28/04/2023, 10:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Xung quanh nghi vấn lộ đề thi phần Định tính (Ngôn ngữ & Văn học), Giáo dục Thủ đô có trao đổi với TS Đặng Ngọc Khương, giáo viên môn Ngữ văn.

TS Đặng Ngọc Khương, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội.
TS Đặng Ngọc Khương, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội.

Có hay không việc lộ đề?

Ngày 26/4, một tài khoản mạng xã hội đã đăng tải bài viết về việc đề thi phần Định tính - bài thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội có sự trùng lặp giữa các đợt, thậm chí chỉ thay đổi khoảng 30% số câu. Theo ông chuyện này có thể xảy ra hay không? 

TS Đặng Ngọc Khương: Trước hết phải khẳng định là tôi không tham gia vào việc ra đề thi, cũng không có những trải nghiệm thực tế như học sinh đi thi nên không thể có câu trả lời chính xác tuyệt đối về việc đề thi có lặp lại một câu hỏi hay một ngữ liệu nào đó hay không.

Tuy nhiên, dưới góc độ một giáo viên luyện thi, đặc biệt là một người nhiều năm quan tâm đến kì thi Đánh giá năng lực do Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội tổ chức thì tôi nghĩ khả năng lặp lại đề thi, đặc biệt là lặp đến 30% là điều không không thể xảy ra và không có căn cứ để phán đoán, chưa nói đến việc vội vã kết luận.

lode-1.jpg
Phương thức thi Đánh giá năng lực ngày càng được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tuyển vào các trường ĐH.

PV: Ông có căn cứ để khẳng định đề thi Đánh giá năng lực không thể lặp lại đến 30% như nhận định của tài khoản nói trên? 

TS Đặng Ngọc Khương: Tôi cần nhấn mạnh lại, theo quan điểm của cá nhân tôi, với tư cách là một người cũng từng tham gia vào việc biên soạn đề thi trắc nghiệm nói chung thì việc lặp lại đề thi là rất khó chứ chưa nói đến việc lặp với tỉ lệ 20% hay 30%. Điều này không khó lí giải bởi đặc điểm của đề thi và cách tổ chức của kì thi Đánh giá năng lực HSA.

Như chúng ta đều biết, đề thi làm theo hình thức trắc nghiệm, chú trọng đánh giá năng lực tư duy của người học chứ không đơn thuần là kiểm tra kiến thức, ngân hàng đề liên tục bổ sung và có đến hàng ngàn, hàng vạn câu hỏi. Trước mỗi đợt thi máy tính bao giờ cũng quét từ ngân hàng câu hỏi để kiểm soát việc trùng lặp. Hơn nữa với số lượng hơn 40.000 ngàn thí sinh dự thi thì xác suất trùng lặp là vô cùng thấp.

PV: Được biết ông cũng đang là một giáo viên luyện thi phần Định tính được nhiều học sinh tin tưởng, theo học. Vậy học sinh của ông phản hồi về đề thi thế nào sau mỗi lần thi như thế nào? 

TS Đặng Ngọc Khương: Đúng là tôi đang tham gia giảng dạy một số lớp học sinh ôn tập phần Định tính (Ngôn ngữ & Văn học) trong đề thi Định tính. Trước mỗi lần thi, tôi luôn dặn các em phải bình tĩnh làm bài, tư duy đúng phương pháp, gặp câu hỏi nào khó mà không thấy chắc chắn thì sau khi làm xong phải cố gắng nhớ cách hỏi để khi thi về sẽ nhờ thầy cô giải đáp, rút kinh nghiệm cho những câu hỏi tương tự ở lần thi sau, vì cấu trúc đề, dạng câu hỏi cơ bản không thay đổi.

Và trên thực tế, gần như 100% học sinh đều ít nhiều nhớ được phần nào cách hỏi, cách ra đề và một số tên văn bản liên quan hoặc đề tài, chủ đề của ngữ liệu. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy để việc hỗ trợ các em được thiết thực hơn. 

Giữ bảo mật và an toàn cho kỳ thi

lode-3.png
Trước các tin đồn về nghi vấn lộ đề thi Đánh giá năng lực, thí sinh cần chắt lọc thông tin chính xác.

PV: Nói như thế là vẫn có sự trùng lặp về dạng câu hỏi và ngữ liệu đúng không thưa ông? 

TS Đặng Ngọc Khương: Điều đó là hiển nhiên rồi. Việc lặp lại dạng câu hỏi, cách hỏi cũng giống như mục đích của việc ban hành đề thi minh họa nhằm giúp cho học sinh hình dung trước đề thi sẽ hỏi ra sao, liên quan đến phạm vi kiến thức nào. Còn chuyện lặp lại, văn bản - ngữ liệu là chuyện đương nhiên vì đặc điểm của ngân hàng trắc nghiệm là có đến hàng vạn câu. Nếu chỉ trong phạm vi ngữ liệu trong sách giáo khoa thì chuyện lặp lại là tất yếu. Vấn đề nằm ở chỗ mỗi câu hỏi người ra đề sẽ khai thác ngữ liệu một cách khác nhau. Giống ngữ liệu hoàn toàn không liên quan đến chuyện lặp đề. 

PV: Vậy dưới góc nhìn của ông, việc thảo luận về đề thi sau mỗi lần thi của học sinh có vi phạm với quy chế bảo vệ an toàn kì thi hay không?

TS Đặng Ngọc Khương: Tôi nghĩ mọi tổ chức, cá nhân đều phải phải tuân thủ pháp luật. Là học sinh, giáo viên thì việc tuân thủ pháp luận nói chung và tuân thủ quy chế bảo vệ an toàn kì thi là điều nên làm và bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, tôi không cho rằng việc học sinh, giáo viên thảo luận, chia sẻ thông tin về đề thi sau mỗi lần thi là việc làm vi phạm
quy chế bởi đây là nhu cầu tất yếu.

Như chúng ta biết, với kì thi Đánh giá năng lực HSA, học sinh được phép đăng kí 2 đợt thi. Thi xong lần 1, các em hoàn toàn có quyền nhờ thầy cô giải đáp những vấn đề khó khăn mà mình đã gặp phải, những câu hỏi mà mình không biết cách trả lời để khắc phục lỗi và cải thiện kết quả làm bài trong lần thi thứ 2 và giáo viên đương nhiên phải có trách nhiệm hỗ trợ, giải đáp cho các em trong khả năng của mình. Chúng ta không nên đưa ra những quy định trái với thực tiễn và biết trước là nó không khả thi. Để đảm bảo an toàn kì thi, cụ thể là tính bảo mật của đề thi sau mỗi đợt thi, theo tôi cách khả thi nhất là không ra đề lặp lại.

PV: Liệu ông có thể lấy một ví dụ về một câu hỏi nào đó “tưởng như trùng lặp” mà thực chất lại không phải để học sinh yên tâm được hay không?

TS Đặng Ngọc Khương: Việc này không hề khó. Tôi xin lấy ví dụ, trong đề minh họa do Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia công bố có các câu chọn một từ có nghĩa không cùng nhóm với các từ còn lại như: A. xanh rì/ B. đỏ ối/ C. vàng nhạt/ D. tím ngắt. Với câu hỏi này học sinh đáp án sẽ là C – “vàng nhạt”, vì từ này chỉ mức độ màu sắc nhạt/thấp, không đều, 3 từ còn lại đều cực tả mức độ của màu sắc đậm, đều khắp.

Từ câu hỏi này giáo viên luyện thi có thể chỉ cần thay thế 1 từ trong dữ liệu nói trên là tạo ra được 4 câu hỏi tương tự - “tưởng như trùng lặp”, nhưng việc lựa chọn đáp án có thể khác nhau. Chẳng hạn tôi thay đáp án B trong 4 đáp án trên bằng từ “đỏ đen” thì lựa chọn đúng lại là đáp án B chứ không phải C vì “đỏ đen” là từ ghép tổng hợp, mang nghĩa tổng hợp (chỉ sự may rủi), 3 từ còn lại đều là từ ghép phân loại miêu tả mức độ màu sắc khác nhau. 

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Bài liên quan
ĐHQG Hà Nội hỗ trợ tài chính cho cán bộ trẻ có trình độ tiến sĩ
ĐHQG Hà Nội thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ, tạo lực hút những người có trình độ cao về làm việc.

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải đáp nghi vấn 'lộ đề' thi Đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội