“Giải mã” hành vi đánh bố mẹ của trẻ

Vân Huyền | 02/07/2022, 08:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Trẻ đánh bố mẹ là do bé chưa có đủ kỹ năng và ngôn ngữ để điều chỉnh cảm xúc cũng như suy nghĩ. Do đó. trẻ thường chọn các cách phi ngôn ngữ như la hét, khóc, thậm chí đánh để giao tiếp với bố mẹ.

Không ít trẻ đột nhiên gắt gỏng, cau có, thậm chí đánh người lớn, dù trước đó vẫn vui vẻ, cười nói. Điều đó khiến nhiều phụ huynh lo sợ rằng, con mình đang gặp vấn đề tâm lý nào đó. Thực tế, các chuyên gia cho biết, trẻ đánh bố mẹ là do bé chưa có đủ kỹ năng và ngôn ngữ để điều chỉnh cảm xúc cũng như suy nghĩ. Do đó. trẻ thường chọn các cách phi ngôn ngữ như la hét, khóc, thậm chí đánh để giao tiếp với bố mẹ.

Chuyên gia tư vấn phụ huynh và nhà tâm lý trẻ em Vũ Ngọc Quỳnh Anh (Alicia Vu) chia sẻ, chị từng nhận được câu hỏi từ một phụ huynh về việc trẻ đánh bố mẹ. Chị Quỳnh Anh cho rằng, sau mỗi lần như vậy, phụ huynh có thể hỏi con về lý do bé đánh mẹ. Ví dụ: Con nghĩ gì khi đánh mẹ? Con muốn mẹ chú ý nên con đánh mẹ phải không? Con cảm thấy buồn chán/ tức giận nên đánh mẹ à?...

danh-bo-me1.png

Trẻ thường muốn gây chú ý, hoặc bực tức khi đánh bố mẹ. Ảnh minh hoạ.

Bởi, theo chuyên gia này, hành vi đánh bố mẹ có thể xuất hiện do trẻ muốn gây chú ý. Thực tế, chính trẻ cũng không ý thức được con muốn gì rõ ràng, chỉ có một cảm xúc thôi thúc bé hãy làm vậy. Do đó, trong trường hợp như vậy, phụ huynh có thể thử hướng dẫn con cách khác. Ví dụ: “Nếu con muốn mẹ chơi cùng, thì hãy nói: 'Mẹ ơi, mẹ chơi với con'. Không cần đánh mẹ đau”.

Chị Quỳnh Anh cho biết, nếu muốn dạy con dùng lời nói thay vì đánh đấm, các phụ huynh phải phản hồi ngay từ khi trẻ còn đang nói. Nhờ đó, để trẻ thấy là cách làm đó hiệu quả. Bởi, nếu phụ huynh không phản hồi cho đến khi trẻ phải đánh bố mẹ, thì tất nhiên lời dạy sẽ không có tác dụng.

"Đằng sau mỗi hành động của trẻ đều có nguyên nhân. Không có chuyện “thích đánh nên đánh”. Đằng sau hành động đánh đó có thể là cảm giác sợ bị bỏ rơi, buồn chán, tức giận, tủi thân, lo lắng, sợ hãi… Thay vì chỉ đi tìm cách giải quyết theo công thức chung, cách tốt hơn vẫn là ngồi xuống quan sát xem nguyên nhân thật sự là gì. Tìm cách khắc phục từ gốc rễ sẽ tốt hơn", chị Quỳnh Anh nhấn mạnh.

danh-bo-me2.png

Trẻ cần biết rằng, bạo lực không phải là cách để giải quyết vấn đề. Ảnh minh hoạ.

Theo chuyên gia này, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được giáo dục rằng, bạo lực là sai, làm đau người khác cũng là sai, dù mục đích của con là gì. Có nhiều cách cư xử ôn hoà và văn minh hơn mà vẫn đạt được điều mình muốn. Khi một đứa trẻ được cổ vũ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, chúng sẽ ngày càng hung hăng và hiếu chiến.

Chị Quỳnh Anh cho biết, nếu là phụ huynh có con hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, các bố mẹ cần thường xuyên để mắt đến trẻ. Đồng thời, ngay lập tức gỡ trẻ ra khỏi tình huống trước khi bé kịp gây tổn thương cho người khác. Tuy nhiên, cha mẹ không nên la mắng hay đưa hình phạt ngay lập tức. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng hướng dẫn con cách cư xử đúng. Dù là đứa trẻ “cục súc” nhưng con vẫn đang học. Điều đó nghĩa là trẻ cần cha mẹ hướng dẫn. Phụ huynh cũng không nên nghĩ rằng, trẻ con xô xát thôi, có gì đâu.

"Khi con là tác nhân gây tổn thương dù vô tình cho trẻ khác, phụ huynh sẽ phải có trách nhiệm. Đừng để đến một ngày con nhận ra: 'À, thì ra bạo lực lại hiệu quả đến vậy' thì đã quá muộn", chị Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Bài liên quan
Dạy trẻ uống thuốc khi cần
Trong quá trình nuôi con, việc cho trẻ uống thuốc khi đau ốm khiến không ít cha mẹ “vật vã”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Giải mã” hành vi đánh bố mẹ của trẻ