Thầy Lại Văn Tâm cho biết: “Ban giám hiệu luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên có môi trường làm việc thoải mái. Tuy nhiên, nhà trường cũng mong muốn TPHCM tăng ngân sách cấp hàng năm trên đầu học sinh. Đồng thời có thêm chính sách hỗ trợ tiền trọ, nhà ở giá rẻ cho giáo viên, nhất là ở khu vực ngoại thành, để các thầy cô an cư lạc nghiệp, gắn bó với nghề”.
Tại buổi tổ chức lấy ý kiến xây dựng Đề án thu hút giáo viên tiểu học trên địa bàn TPHCM gần đây, Sở GD&ĐT TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp giữ chân và thu hút giáo viên tiểu học như: Hỗ trợ thêm 25% số lương cơ bản, khuyến khích giáo viên có trình độ chuyên môn, cụ thể trình độ tiến sĩ là 1,5 triệu đồng/người/tháng và 1,2 triệu đồng/người/tháng với trình độ thạc sĩ. Đối với giáo viên mới ra trường đề nghị hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng, năm thứ hai hỗ trợ 70% và năm thứ ba hỗ trợ mỗi người một tháng 50% lương cơ sở.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho rằng, cải thiện thu nhập vẫn là biện pháp căn cơ để giữ chân đội ngũ nhà giáo. Giáo viên tiểu học phải dạy gấp đôi trước đây nhưng thu nhập không đổi thì lâu dần sẽ mất động lực làm việc. Do đó, cần có quy định cụ thể về số tiết nghĩa vụ buổi hai, nếu vượt quá số tiết này phải có hỗ trợ cho thầy cô, trường hợp ngân sách không kham được thì cho phép xã hội hóa.
Ngoài ra, ông Thanh cũng đề xuất tiếp tục duy trì Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, phát biểu: Luật Giáo dục quy định không thu học phí đối với cấp tiểu học, nhưng ngân sách cấp cho cấp học này ngang bằng các cấp học khác. Đặc biệt, trong Chương trình GDPT 2018 dạy học 2 buổi/ngày nên không thu học phí buổi 2 dẫn đến khó khăn về nguồn thu cho các đơn vị, gián tiếp ảnh hưởng thu nhập của giáo viên.
“Hệ số lương khởi điểm của giáo viên mới ra trường là 1,86. Sau khi trừ phí bảo hiểm xã hội, trong năm đầu tiên công tác, mỗi thầy, cô có thu nhập hơn 3,3 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so thu nhập bình quân của người dân TPHCM. Do đó cần phải có chính sách cho giáo dục tiểu học để giữ chân và thu hút được đội ngũ giáo viên, trong đó quan trọng nhất vẫn là chính sách hỗ trợ về tài chính…”, ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
“Để giáo viên tiểu học sống được với nghề, nhà trường cần bố trí thời khóa biểu đảm bảo đúng số tiết dạy/tuần. Số buổi mà giáo viên dự họp, dạy học vượt quá quy định cần được tính tiền phụ trội rõ ràng. Đặc biệt, phải thực hiện xã hội hóa buổi 2. Nếu triển khai dạy buổi 2 thì cần phải thu học phí để tăng thu nhập cho giáo viên. Ngoài ra, chính sách chăm lo đời sống cho giáo viên cần quan tâm các đối tượng đặc biệt như vợ chồng trẻ là giáo viên có nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn...”. Ông Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM)