Được biết, PGS-TS Tuấn công bố bài ISI đầu tiên vào cuối năm 2018. Dù mới hoạt động khoa học được 4 năm nhưng đã có 3 năm (2019, 2020, 2021) nằm trong danh sách Top 2% các nhà khoa học uy tín trên thế giới.
PGS-TS Tuấn với GS-TS Aykut Olcer (Giám đốc nghiên cứu, Chủ tịch Quỹ Nippon về đổi mới và công nghệ hàng hải, Trưởng khoa Quản lý năng lượng hàng hải tại ĐH Hàng hải quốc tế, Thụy Điển) nvcc |
PGS-TS Hoàng Anh Tuấn sinh năm 1980. Năm 2005, ông tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành thiết kế máy tàu thuỷ và hệ thống động lực, Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam. Nhận bằng tiến sĩ kỹ thuật do Trường ĐH Hàng hải Việt Nam cấp năm 2016 và được phong học hàm PGS năm 2019.
Hiện nay, vị giảng viên là tân Tổng biên tập tạp chí Fuel đang có chuyến công tác tại châu Âu theo lời mời của một số giáo sư của các trường ĐH Hàng hải Quốc tế (Thụy Điển), ĐH Khoa học ứng dụng Hamburg (Đức), ĐH Cordoba (Tây Ban Nha) và ĐH Reggio Calabria Địa Trung Hải (Ý).
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wale, Úc), một giảng viên là PGS-TS của trường ĐH ở Việt Nam được bổ nhiệm làm tổng biên tập của tạp chí khoa học như Fuel là một vinh dự, nhất là một tập san lâu đời như thế.
Công việc chính của tổng biên tập là quản lý quá trình biên tập và duy trì uy tín của tập san trong chuyên ngành (chẳng hạn như không để tụt hạng). Tổng biên tập là người cùng với phó biên tập quyết định một bài báo được hay không được công bố, và chính vì quyền này làm cho tổng biên tập là người có quyền thế, hiểu theo nghĩa có ảnh hưởng đến sự nghiệp của người khác.
Áp lực của tổng biên tập, theo kinh nghiệm của tôi cho thấy không nặng nề, nhưng làm sao để tập san không lỗ cũng là một gánh nặng. Ngoài chuyên môn, tổng biên tập phải làm việc với nhà xuất bản kiểm tra tỷ lệ số bài được chấp nhận công bố sao cho tài chánh của tập san ở tình trạng "khoẻ mạnh".