Theo cô Vũ Thị Dung, giáo viên Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội), thời gian nghỉ Tết thường là khá dài (7 - 9 ngày). Trong thời gian đó, giáo viên cũng nên giao cho học sinh nhiệm vụ học tập để các em không xao nhãng việc học. Thêm nữa, bài tập trong thời gian nghỉ sẽ là “chất kết dẫn” để trò không bị đứt đoạn mạch học.
Tuy nhiên, việc giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết cũng là một “nghệ thuật”. Theo đó, về lượng không nên nhiều (nhiều quá dễ gây nhàm chán, hoặc ảnh hưởng tới kỳ nghỉ của học sinh). Về chất, bài tập không nên chú trọng việc ôn tập, kiểm tra kiến thức, mà nên là những bài nhằm tăng khả năng thực hành, ứng dụng, vận dụng cho người học.
Ví dụ, với môn Ngữ văn, giáo viên có thể giao học sinh làm video thuyết minh về ngày Tết ở gia đình/quê hương mình; thiết kế thiệp chúc Tết; thiết kế phong bao lì xì với những lời chúc ý nghĩa; làm thơ chúc Tết ông bà, cha mẹ…
Cô Đỗ Thị Hồi, giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cũng đồng quan điểm nên giao bài tập Tết cho học sinh vì thời gian nghỉ Tết khá lâu, học sinh có thể quên một số kiến thức. Trường hợp này, khi bắt nhịp việc học sau Tết, các em sẽ mệt mỏi nhiều hơn khi phải ôn lại kiến thức cũ đồng thời tiếp nhận kiến thức mới.
Tuy nhiên, bài tập giao không nên nhiều, nặng, chỉ đủ để học sinh không quên nhiệm vụ ôn bài, đồng thời cũng là hình thức trải nghiệm thực tế và vận dụng. Ví dụ, các lớp đầu cấp, học sinh đọc bài còn chậm, kinh nghiệm và hiểu biết về ngày Tết cổ truyền còn hạn chế, giáo viên có thể sưu tầm những mẩu chuyện nói về ngày Tết, phong tục tập quán ngày Tết để học sinh đọc.
Sau mỗi bài đọc, thiết kế vài câu hỏi để học sinh trả lời. Hoặc bài tập có thể là viết cảm nhận về ngày Tết/ kể lại một hoạt động ý nghĩa nhất của ngày Tết tại gia đình/ ngày Tết em thích nhất điều gì, điều gì em chưa thích, vì sao?...
Dù giao bài tập, nhưng cô Đỗ Thị Hồi cho rằng, không nên gây áp lực, gò ép, bắt buộc. Tránh tình trạng có học sinh quên làm bài, ngày đầu năm mới đã không dám đi học vì sợ thầy cô trách phạt. Việc giao bài tập cho học sinh làm trong dịp nghỉ Tết chỉ nên mang tính khích lệ, động viên. Em nào hoàn thành tốt nội dung cô giao sẽ được khen thưởng…
“Giáo viên nên chú ý giao bài tập phù hợp với đối tượng học sinh trung bình, học sinh giỏi… để các em có thể phát huy được năng lực của mình (tránh quá dễ đối với học sinh giỏi, hay quá khó đối với học sinh yếu). Việc giao bài Tết như là một sự trải nghiệm mới trên nền kiến thức cũ. Lượng bài không quá nhiều nhưng bảo đảm cho việc kết nối kiến thức cũ và mới sau Tết được dễ dàng; đồng thời phát huy được trải nghiệm về Tết cổ truyền, làm giàu thêm sự hiểu biết và kỹ năng sống của các em”, cô Đỗ Thị Hồi chia sẻ.