Giao điện thoại cho học sinh từ sớm, quản lý thế nào?

27/11/2023, 11:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với lí do thuận tiện liên lạc đưa đón và phục vụ việc học, nhiều phụ huynh sớm trang bị điện thoại thông minh cho con. Tuy nhiên, giao thiết bị và quản lý con sử dụng thế nào không phải phụ huynh nào cũng nghĩ đến và làm được.

Nhiều giáo viên chia sẻ rằng, điện thoại hữu ích cho học tập đối với những em biết sử dụng đúng cách, ngược lại sẽ như con dao hai lưỡi cắt đứt tay người dùng. Một số giáo viên cũng chia sẻ, họ ám ảnh, áp lực khi đa số học sinh có điện thoại lăm lăm trong tay sẵn sàng gài bẫy thầy cô quá lời khiến công việc của họ trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.

Thực tế, đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Tháng 10/2023, một học sinh ở Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất (Hà Nội) để điện thoại ở gầm bàn quay lại cảnh giáo viên bộ môn Ngoại ngữ mắng chửi học sinh trong giờ học. Cũng thời gian đó, một học sinh Trường THPT Đa Phúc, Hà Nội dùng điện thoại quay lại cảnh học sinh quỳ, khóc lóc ở cửa lớp học và cô giáo túm cổ áo em này kéo đi. Còn nhiều và rất nhiều sự việc ở các trường học các địa phương khác. Lẽ dĩ nhiên, sau khi các video đó phát tán lên mạng xã hội, các giáo viên bị kỷ luật.

Nhiều người ủng hộ xử lý nghiêm nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp tuy nhiên cũng không ít người cho rằng, học sinh mang điện thoại vào lớp, sẵn sàng ghi hình, ghi âm giáo viên trong giờ học là điều không nên.

Nhà trường quản điện thoại, nên chăng?

Liên quan đến điện thoại học đường, ngày 26/7/2023, UNESCO đã đề xuất các quốc gia trên toàn cầu cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường nhằm cải thiện khả năng học tập của học sinh vì thiết bị ảnh hưởng tiêu cực đến cả vấn đề bắt nạt học đường, giảm sự tương tác giữa con người với con người.

Trong khi điều 37, Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT về điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định các hành vi học sinh không được làm, có việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Với quy định này, có thể hiểu học sinh vẫn không bị cấm mang thiết bị điện thoại, điện tử đến trường.

Tuy nhiên, mới đây tại cuộc họp quán triệt thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 của ngành giáo dục Hà Nội với hơn 2.800 nhà trường các cấp, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, việc học sinh mang điện thoại vào lớp học, không ít em chơi điện tử, lướt mạng xã hội, xao nhãng học tập. “Nên chăng, các nhà trường có nội quy, yêu cầu học sinh tắt điện thoại hoặc gửi vào địa điểm an toàn từ đầu giờ đến cuối giờ học mới lấy lại. Mọi nội quy, quy chế các trường làm sao đảm bảo việc dạy học hiệu quả nhất”, ông Cương nói.

TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nói rằng, trong xu thế mở như hiện nay, bố mẹ rất khó có thể “ngăn sông cấm chợ” con với thiết bị điện tử. Bộ GD&ĐT cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nếu giáo viên cho phép là nhằm tra cứu những thông tin cần thiết, giúp các em tiếp cận được nhiều nguồn học liệu phong phú, hữu ích.

Tuy nhiên, để làm được như vậy, cha mẹ phải hướng dẫn, thậm chí cài đặt các phần mềm quản lý để giúp trẻ sử dụng mạng an toàn. Có thể hiểu, ngày nay nhiều nội dung chưa được kiểm soát nên cho trẻ sử dụng tràn lan trong khi các em chưa có bộ lọc chuẩn sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của trẻ. Lấy ví dụ như, ở nhiều nước game bị quản lý theo độ tuổi. Theo đó, các em ở độ tuổi nào được chơi loại game nào, trong khi đó ở Việt Nam vấn đề này vẫn bị thả nổi dẫn đến có nhiều trò chơi có nội dung bạo lực tác động tiêu cực đến các em.

Tại Hội thảo môi trường internet an toàn tổ chức năm 2023, đại diện Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, độ tuổi trung bình của trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi trong khi độ tuổi trung bình trẻ được trao đổi với an toàn thông tin mạng là 13 tuổi. Trẻ em Việt Nam được trang bị điện thoại sớm hơn trẻ trên thế giới 4 năm trong khi chưa có kiến thức, kỹ năng về an toàn mạng là một trong những thách thức dẫn đến rủi ro trên môi trường mạng của trẻ ngày càng gia tăng.
Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/giao-dien-thoai-cho-hoc-sinh-tu-som-quan-ly-the-nao-c216a1522154.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/giao-dien-thoai-cho-hoc-sinh-tu-som-quan-ly-the-nao-c216a1522154.html
Bài liên quan
Tiền chuyển mục đích sử dụng đất quá cao, người dân như mua đất lần 2
Ngày 10-5, Chi hội Luật gia và Trung tâm tư vấn pháp luật tại TPHCM tổ chức tọa đàm “Các vướng mắc phát sinh khi áp dụng bảng giá đất mới ở TPHCM; gợi ý các hướng tháo gỡ cho thị trường nhà đất”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giao điện thoại cho học sinh từ sớm, quản lý thế nào?