Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, ngành Giáo dục tập trung ổn định, củng cố và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - văn hóa xã hội; mở rộng hệ thống GDMN ngoài công lập phù hợp từng địa bàn, tạo mọi điều kiện cho trẻ đến trường tiếp cận Chương trình GDMN sau sửa đổi.
Ngoài ra, để xây dựng mô hình GDMN chất lượng, ngành còn bảo đảm định mức giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; triển khai cho trẻ ăn bán trú tại trường nhằm mục tiêu phát triển Chương trình GDMN; chú trọng các trường điểm, trường vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số.
Theo kế hoạch, địa phương từng bước cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, nâng tỉ lệ phòng học kiên cố từ 40,82% lên 70% vào năm 2025. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tham gia học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Qua đó đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm áp dụng Chương trình GDMN phù hợp với địa phương (trong cả bối cảnh phòng dịch).
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) đọc sách tại phòng thư viện được đầu tư bảo đảm. Ảnh: Hà Linh |
Ngành Giáo dục Gia Lai cũng xác định GDMN là bậc học còn nhiều khó khăn, mạng lưới trường lớp hầu hết điểm lẻ, nằm rải rác, xa trung tâm, đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, hạn chế khi trở lại hoạt động bình thường mới.
Những năm gần đây, Chính phủ kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển GDMN đặc biệt quan tâm đến GDMN ngoài công lập. Đây chính là “chìa khóa vàng” giúp GDMN có cơ hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó tạo sức bật cho các cơ sở giáo dục vùng khó đổi mới phát triển, phấn đấu đạt mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2023 - 2025, tạo đà phát triển đến năm 2030.
Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái. |
Những năm qua, đặc biệt năm 2022, ngành Giáo dục Yên Bái đã tranh thủ mọi nguồn lực từ các chương trình, đề án, nguồn xã hội hóa để xây dựng và duy trì trường học đạt chuẩn, nâng cao số lượng và chất lượng trường chuẩn.
Trong số những thành tựu, ngành Giáo dục Yên Bái tự hào về kết quả nâng cao số lượng và chất lượng trường chuẩn. Địa phương có 32 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu 12 trường. Nâng tổng số trường chuẩn quốc gia lên 305 trường (đạt 69%, vượt 4,29% chỉ tiêu giao).
Theo kế hoạch, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia sẽ được địa phương gắn liền với kết quả thực hiện các chương trình, nghị quyết: Chương trình xây dựng Nông thôn mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Từ đó gắn trách nhiệm, tạo sức mạnh tổng hợp các cấp, ngành và hệ thống chính trị.
Đối với mỗi nhà trường, ngành yêu cầu phải có kế hoạch, mục tiêu cụ thể về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Xác định đúng thực trạng, điểm mạnh, yếu để có kế hoạch cải tiến chất lượng giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Yên Bái cũng xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ công nhận thêm 88 trường đạt chuẩn quốc gia. Nâng tổng số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia lên 333/443, đạt 75,17%. Đối với 245 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia phải xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng, mức độ đạt chuẩn. Số trường còn lại không nằm trong lộ trình vẫn phải bảo đảm nâng cao chất lượng. Phấn đấu 100% các trường đạt từ 2 tiêu chuẩn trở lên, trong đó ít nhất 44 trường đạt 3 tiêu chuẩn, 51 trường đạt 4 tiêu chuẩn.
Năm 2023, ngành xác định thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động các cấp về thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn chặt với đẩy mạnh phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”...
Để thực hiện mục tiêu, ngành tranh thủ mọi nguồn lực từ các nghị quyết, chương trình hành động, đề án… Trên cơ sở đó, rà soát, cân đối đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, ưu tiên các cơ sở giáo dục đang nằm trong lộ trình.
Cùng đó, ngành đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, nhà trường trong việc tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thấy rõ vai trò công tác xã hội hóa giáo dục hết sức quan trọng; Huy động nhiều hơn sự chung tay đóng góp sức người, sức của, đáp ứng tốt những điều kiện có thể cho sự nghiệp “trồng người”.
Năm học 2022 - 2023, Điện Biên có 481 trường, trung tâm, với 7.386 lớp và trên 207.500 học sinh, sinh viên. Trong đó, bậc mầm non có 168 trường, với hơn 58 nghìn trẻ; Tiểu học 140 trường, trên 76.800 học sinh; THCS có 122 trường (26 trường tiểu học và THCS; 96 trường THCS), hơn 50 nghìn học sinh; THPT có 33 trường (29 trường THPT; 4 trường THCS - THPT), gần 21 nghìn học sinh.