Hiện tại, thầy T. cũng đang học lấy TESOL (chứng chỉ sư phạm tiếng Anh cho người sử dụng các ngôn ngữ khác không phải là tiếng Anh).
Đồng ý với thầy T., cô Bảo Ngọc (giáo viên dạy IELTS tại Đồng Nai) cũng quan niệm IELTS chỉ đánh giá năng lực làm bài thi của một người. Người đạt điểm cao chưa chắc đã có khả năng truyền đạt kiến thức.
Tính đến hiện tại, cô Ngọc mới chỉ thi IELTS một lần duy nhất vào tháng 1/ 2022.
Theo cô, việc một cá nhân thi IELTS nhiều lần với mục đích tạo thương hiệu cá nhân, khẳng định trình độ bản thân hoặc tìm cơ hội việc làm tốt hơn… xét về lâu dài là hoàn toàn có lợi. Tuy nhiên, điểm thi IELTS không phải là tất cả.
“Các thầy cô dành cả 4 năm đại học, có những người học thạc sĩ, tiến sĩ và dành nhiều thời gian thực tập để có kinh nghiệm, khả năng dạy học sinh cho tốt. Điều này không nghiễm nhiên có được khi một người có chứng chỉ IELTS cao”, cô nói.
Theo anh Lê Quang Hưng, Founder VietAccepted IELTS, thông thường, những người thi IELTS nhiều lần thuộc 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất là những người chưa đủ điểm yêu cầu, buộc phải thi lại. Ví dụ, những người chuẩn bị hồ sơ du học mà đạt điểm thấp hơn trường yêu cầu, hoặc đủ điểm nhưng một kỹ năng nào đó lại chưa đạt, họ cần phải thi lại.
Nhóm thứ 2 chính là các giáo viên dạy IELTS. Họ thường thi lại nhiều lần để cập nhật đề thi hoặc có mục đích tăng điểm tổng hoặc điểm kỹ năng nào đó.
“Về cơ bản, với chi phí thi khá lớn, mọi người sẽ không có nhu cầu thi IELTS nhiều lần nếu không nằm trong 2 nhóm trên", anh Hưng nói.
Theo anh Hưng, với giáo viên dạy IELTS, họ bắt buộc phải có trình độ IELTS, ít nhất là 7.5 để có thể dạy học viên. Bên cạnh đó, các chứng chỉ như TESOL hay CELTA (chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ) cũng là điều kiện cần thiết của người dạy IELTS.
Việc có các chứng chỉ này giúp giáo viên có thể xây dựng bài giảng sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, anh Hưng đánh giá việc một người đạt điểm IELTS rất cao không đồng nghĩa là giảng dạy tốt và hiệu quả.
Theo đó, một số người tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh, sau đó đi dạy IELTS. Những người này có nhiều thời gian để học thi IELTS cũng như tiếp xúc nhiều với tiếng Anh, nên việc thi IELTS sẽ dễ dàng đạt điểm cao.
Tuy nhiên, kỹ năng giảng dạy của họ lại không tốt bởi không hiểu được khó khăn của một người còn yếu hoặc mất gốc đang bắt đầu học.
Tương tự, nhiều bạn có chứng chỉ TESOL hay CELTA vẫn chưa có kỹ năng sư phạm tốt, học viên thấy khó hiểu và không hiệu quả. Ngược lại, một số giáo viên chưa có những chứng chỉ trên lại được phản hồi rất tốt về kỹ năng sư phạm, cũng như giúp học viên hiểu bài làm bài tốt và điểm thi cao.
“Một người có IELTS cao không có nghĩa sẽ giảng dạy tốt và hiệu quả. Tương tự, không phải cứ học nghiệp vụ hay giảng dạy nhiều sẽ có kỹ năng sư phạm tốt. Điểm IELTS cao sẽ là công cụ marketing tốt, nhưng hiệu quả giảng dạy và kết quả học viên mới là thứ giúp giáo viên có thể tồn tại được”, anh Hưng nói.