Thực trạng cầm chứng chỉ IELTS, TOEIC là thành giáo viên tiếng Anh

14/03/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều người sở hữu chứng chỉ IELTS, TOEIC đi dạy tiếng Anh nhưng chưa từng được đào tạo qua về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Sở hữu chứng chỉ TOEIC 945/990, lại từng là học sinh lớp chuyên Anh hồi cấp 3 và có 2 năm kinh nghiệm làm trợ giảng tiếng Anh, H. được một trung tâm tiếng Anh tư nhân tại Đà Nẵng thuê làm giáo viên dạy TOEIC từ tháng 11/2022. Tuy nhiên, đây chỉ là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập, không phải công việc chính của H..

Hiện, L.H. chỉ dạy 3 lớp, quy mô không quá 20 học sinh/lớp. Phần lớn học sinh của H. là sinh viên đại học có nhu cầu lấy chứng chỉ TOEIC để xét tốt nghiệp. Bản thân H. đi dạy cũng không cần soạn giáo án vì đã có giáo án sẵn của trung tâm, cô chỉ cần lên kế hoạch bài giảng và sắp xếp cách truyền đạt kiến thức phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Khó khăn vì thiếu chuyên môn sư phạm

“Rất khó khăn” là những gì D.Q. nói về việc trở thành giáo viên tiếng Anh khi chưa học qua nghiệp vụ sư phạm. Dù kỹ năng tiếng Anh tốt, lại từng làm trợ giảng, Q. vẫn lúng túng và mất tự tin khi đứng trên bục giảng. Cô cũng tự đánh giá bản thân quản lớp chưa “cứng” nên đôi lúc học sinh không nghe lời.

Q. nói rằng dù sở hữu IELTS 7.5, cô vẫn không hoàn toàn tự tin rằng bản thân sẽ truyền đạt kiến thức đúng và dễ hiểu.

Với những học sinh đã có sẵn nền tảng, quá trình dạy học của Q. sẽ bớt chật vật hơn một chút. Nhưng khi dạy cho những học sinh “chưa biết gì” hoặc không có tư duy ngôn ngữ, Q. lại đau đầu vì không biết dạy từ đâu và dạy thế nào cho học sinh dễ hiểu, nhớ lâu.

Tương tự, từng làm trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh, tiếng Anh ở mức khá giỏi, nhưng việc dạy học của H. trong thời gian đầu không hoàn toàn suôn sẻ. Do chưa được đào tạo qua về kỹ năng sư phạm, H. khá lúng túng khi tương tác và truyền đạt kiến thức cho học sinh.

K.T., giáo viên tiếng Anh ở Cần Thơ, cũng từng chật vật khi đi dạy mà thiếu kỹ năng sư phạm. Ban đầu, K.T. chỉ là trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh, sau đó được xét duyệt dựa trên kinh nghiệm và năng lực tiếng Anh để trở thành giáo viên.

Cũng có kinh nghiệm làm trợ giảng giống D.Q. và L.H., nhưng những ngày đầu đứng lớp với vai trò giáo viên, T. vẫn chưa biết cách quản lý lớp và sửa lỗi cho học sinh.

Được biết, khi chưa có chứng chỉ sư phạm, chỉ có chứng chỉ tiếng Anh, T. chỉ được giao phụ đạo cho vài học sinh nhỏ tuổi. Đến khi học và có chứng chỉ TESOL (chứng chỉ dạy tiếng Anh dành cho người nói ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh), T. mới được trung tâm xếp các lớp quy mô lớn hơn (mỗi lớp khoảng 20 người) và cả lớp IELTS.

chung chi TESOL anh 2
L.H. cho biết phụ huynh, học sinh không quá quan tâm việc giáo viên dạy tiếng Anh có chứng chỉ sư phạm hay không. Ảnh minh họa: Pexels.

Có IELTS, TOEIC là đủ?

Nói về việc đi dạy khi chưa có chứng chỉ sư phạm, L.H. cho biết thực tế trung tâm của cô không bắt buộc điều này. Một người bạn của cô cũng đi dạy tiếng Anh tại một trung tâm ở Hà Nội mà không có chứng chỉ sư phạm, chỉ cần có kinh nghiệm giảng dạy và chứng chỉ IELTS 8.0 là được trung tâm tuyển dụng.

Ở trung tâm của L.H., tiêu chí để một giáo viên được tuyển dụng là có trình độ tiếng Anh nhất định, cụ thể là chứng chỉ IELTS (đối với giáo viên dạy IELTS) hoặc chứng chỉ TOEIC (đối với giáo viên dạy TOEIC). Phía trung tâm cũng ưu tiên những giáo viên có nhiều kinh nghiệm dạy học hoặc từng làm trợ giảng.

Trung tâm không bắt buộc phải có chứng chỉ sư phạm nên L.H. cũng chưa nghĩ đến chuyện học và thi lấy chứng chỉ. Cô nói rằng hiện tại dạy học chỉ là nghề tay trái, nếu sau này xác định dạy học là nghề chính, cô mới tính đến chuyện học và thi.

Khác với L.H., D.Q. lại chọn đăng ký học thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Anh sau khi nhận thấy sự bất ổn của bản thân khi đứng lớp dạy học.

Q. nói rằng sau khi tham gia chương trình thạc sĩ, cô mới biết thêm nhiều điều mà nếu không học sẽ không bao giờ biết được, hoặc những điều cô sẽ phải mất rất nhiều năm để tự rút ra. Vì thế, cô hối hận vì đã không đi học thạc sĩ sớm hơn, lại vội vàng đi dạy rồi tự đẩy mình vào thế khó khi đứng trên bục giảng.

Theo zingnews.vn
https://zingnews.vn/cam-chung-chi-ielts-toeic-la-thanh-giao-vien-tieng-anh-post1409745.html
Copy Link
https://zingnews.vn/cam-chung-chi-ielts-toeic-la-thanh-giao-vien-tieng-anh-post1409745.html
Bài liên quan
12 chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được Bộ GD&ĐT cấp phép trở lại
Bộ GD&ĐT cấp phép tổ chức thi trở lại cho 12 chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS, Linguaskill, Aptis, A2 KET, B1 PET, B2 FCE, C1 CAE, JLPT, HSK, TOPJ, DSD I...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực trạng cầm chứng chỉ IELTS, TOEIC là thành giáo viên tiếng Anh