Sau những tấm huy chương Olympic quốc tế lấp lánh là nỗ lực không mệt mỏi của cả thầy và trò các đội tuyển vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Đi thi trực tiếp, đoàn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Một trong số đó phải kể đến hôm trao giải. Khi đó, cả đoàn hồi hộp chờ đọc tên, nhưng gần hết huy chương vẫn không có em nào. Ai cũng lo lắng. Tưởng không còn hy vọng gì thì Ban Tổ chức thông báo lại và cả 4 học sinh trong đoàn đều có giải. Niềm vui vỡ òa sau những giây phút hồi hộp đến thót tim.

Kết quả nói trên là đáng khích lệ, nhưng với năng lực và sức học của mình, các em có thể đạt được thành tích cao hơn. Trên thực tế, phần lý thuyết các em thi rất tốt và đều nằm trong tốp có huy chương cao của giải; nhưng hơi đáng tiếc ở phần thực hành. Có nhiều lý do, trong đó gồm việc mấy năm làm bài thi thực hành online, nay quay lại thi trực tiếp nên còn bỡ ngỡ.

Bên cạnh đó, dù thi vòng 2 có nhiều bài tiệm cận với đề thi quốc tế, nhưng thời gian ôn tập hơi gấp nên các em chưa đủ thời gian để thực sự nhuần nhuyễn về kỹ năng. Cùng với đó, do dịch bệnh nên các em cũng ít có cơ hội thực hành hơn… Chưa kể sức khỏe các em bị ảnh hưởng vì những lý do đã chia sẻ ở trên.

Để thành tích của đội tuyển tốt hơn trong kỳ thi sau, tôi cho rằng, chúng ta cần chú trọng hơn nữa năng lực thực hành của học sinh. Có thể nói, với môn Sinh học, phần thực hành của chúng ta còn yếu. Trong các môn khoa học tự nhiên, môn Sinh học, hay khoa học sự sống là lĩnh vực mà các kiến thức luôn được cập nhật. Nhưng chúng ta còn hạn chế nhất định về trang thiết bị, hóa chất, tài liệu, công nghệ so với các nước trong khu vực. Tôi mong rằng, Bộ GD&ĐT, địa phương, nhà trường quan tâm đầu tư hơn nữa các trang thiết bị thực hành, tránh tình trạng trò phải học chay.

Cùng với đó, cần có chính sách để thu hút cán bộ, giáo viên trẻ có năng lực, được đào tạo từ nước ngoài về tham gia huấn luyện, bồi dưỡng đội tuyển. Đồng thời, tiếp tục cải thiện chế độ đãi ngộ với học sinh, giáo viên trường THPT chuyên. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu từ sớm vì tài năng không đợi tuổi…

Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ GD&ĐT, các địa phương, nhà trường có học sinh dự thi với đoàn. Sự hỗ trợ, động viên cả về tinh thần và vật chất của Bộ GD&ĐT, các địa phương, nhà trường góp phần không nhỏ làm nên thành tích đáng tự hào của đội tuyển Olympic Sinh học năm nay.

ThS Trần Quang Hùng (giáo viên môn Toán, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, giáo viên tham gia tập huấn đội tuyển Olympic Toán học quốc tế): Tạo điều kiện để thầy - trò chuyên tâm vào Toán

Giọt nước mắt sau những tấm huy chương ảnh 3
ThS Trần Quang Hùng.

Với chuyên ngành hình học, tôi đã tham gia vào công tác tập huấn đội tuyển vòng 1, vòng 2 của Trường chuyên Khoa học Tự nhiên, đồng thời cũng tập huấn đội 6 em chuẩn bị tham gia IMO (Olympic Toán học quốc tế) trong vòng 2 tháng trước khi đi. Sau đó, tôi theo đoàn với tư cách là quan sát viên C, trực tiếp sang Na Uy cùng đội tuyển.

Đội tuyển Olympic Toán học năm nay cũng như mọi năm gồm 6 em, 2 bạn từ Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên; còn lại đến từ các trường: Phổ thông Năng khiếu ĐHQG - TP Hồ Chí Minh, THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An, THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa, THPT chuyên Vĩnh Phúc. Đây đều là các đội mạnh ở trong nước và giàu thành tích về dự thi quốc tế. Vậy nên, nhìn chung mặt bằng đội tuyển đồng đều, mỗi em đều có thế mạnh riêng.

Xét toàn cục, các em hoàn toàn xứng đáng đại diện cho Việt Nam thi Olympic Toán năm nay. Riêng với Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, trong hai năm gần đây đóng góp cho đội Olympic Toán Việt Nam nhiều học sinh. Điều này cũng phản ánh đúng thực lực của trường. Với đặc điểm này, nhiệm vụ của các thầy đến từ THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đi tập huấn đội tuyển Việt Nam có phần thử thách hơn vì đã dạy các em từ năm lớp 10 cho đến ngày cuối tập huấn trong nước.

Làm nên thành tích của đội tuyển Olympic Toán học của Việt Nam năm nay, tôi cho rằng yếu tố quan trọng đầu tiên là chọn được 6 em vào đội tuyển rất chất lượng. Thứ hai là có sự góp mặt của nhiều thành viên đội tuyển mạnh trong cả nước. Thứ ba là sự động viên lớn từ gia đình các em. Thứ tư là có các thầy tâm huyết, tận tâm với Olympic làm trưởng, phó đoàn, như thầy Lê Anh Vinh, thầy Lê Bá Khánh Trình; cùng với đội ngũ các thầy chuyên môn cao huấn luyện các em từ lúc còn ở đội tuyển trường, tỉnh cho tới đội tuyển dự thi quốc tế.

Và tất cả chính sách giáo dục của Nhà nước thể hiện ở đội tuyển các cấp đã hỗ trợ trò hết sức, tạo điều kiện cho các em chuyên tâm cho Toán để hướng tới thành công.

Kết quả của đội tuyển có nhiều ý nghĩa. Về mặt thành tích, việc lặp lại kỳ tích vàng tuyệt đối của thế hệ trước trong bối cảnh hiện tại cạnh tranh khắc nghiệt như thế cho thấy các thế hệ thầy và trò của trường sau này đã tiếp bước, phát huy và kế cận thế hệ trước. Thành tích này còn thúc đẩy phong trào học toán của các đội tuyển, khích lệ thầy trò chuyên tâm, hăng say làm việc tạo ra thành quả mới.

Tôi rất mong được Nhà nước tạo thêm nhiều điều kiện, chính sách để thầy và trò trường chuyên phát triển hơn trong cả chuyên môn và cuộc sống. Cụ thể như tạo thêm về điều kiện công việc, cơ sở vật chất và điều kiện kinh tế cho người dạy và người học. - ThS Trần Quang Hùng

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giot-nuoc-mat-sau-nhung-tam-huy-chuong-post619263.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giot-nuoc-mat-sau-nhung-tam-huy-chuong-post619263.html
Bài liên quan
Lễ tuyên dương học sinh đạt giải Olympic quốc tế 2022 tổ chức vào cuối tháng 12
Chiều 12/12, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã chủ trì cuộc họp về tổ chức lễ tuyên dương học sinh đạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giọt nước mắt sau những tấm huy chương